Liệu mô hình cho sinh viên vay nợ linh hoạt ISA có thể trở thành một phần trong chiến lược tài chính giáo dục bền vững tại Việt Nam, hay đây chỉ là một ý tưởng đầy tham vọng nhưng khó thực hiện?

Chi phí giáo dục đại học tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt sau khi nhiều trường chuyển sang cơ chế tự chủ, khiến sinh viên và gia đình có thể chịu áp lực tài chính lớn. Các lựa chọn tài chính hiện nay, từ tín dụng sinh viên nhà nước đến vay ngân hàng thương mại, đều có những hạn chế về điều kiện tiếp cận và mức vay. Thỏa thuận chia sẻ thu nhập (ISA) xuất hiện như một mô hình tiềm năng, cho phép sinh viên theo học mà không cần vay nợ theo cách truyền thống, nhưng để triển khai thành công, mô hình này phải vượt qua nhiều rào cản pháp lý, cơ chế giám sát và tâm lý xã hội.

Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý cụ thể cho ISA, nên có thể gây tranh cãi về việc nó nên được coi là khoản vay hay một dạng đầu tư tài chính. Nếu được quản lý như một khoản vay, ISA có thể mất đi sự linh hoạt; nhưng nếu không có giám sát chặt chẽ, rủi ro thiếu minh bạch và lạm dụng sẽ tăng. Hơn nữa, ISA phụ thuộc vào khả năng theo dõi thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp – điều không đơn giản trong một nền kinh tế mà giao dịch tiền mặt và hợp đồng lao động ngoài sổ sách vẫn còn phổ biến.

Ngoài ra, tâm lý e ngại từ sinh viên và phụ huynh cũng có thể là một trở ngại lớn. Nhiều người lo ngại việc phải cam kết trả một phần thu nhập trong nhiều năm, sợ rằng tổng số tiền hoàn trả có thể lớn hơn đáng kể so với một khoản vay truyền thống có lãi suất cố định. Với các nhà đầu tư, ISA rủi ro hơn so với các khoản vay truyền thống, vì thu nhập của sinh viên không được bảo đảm và chưa có hệ thống giám sát thu nhập minh bạch. Nếu sinh viên thất nghiệp hoặc thu nhập thấp kéo dài, khoản đầu tư có thể khó thu hồi.

Tuy nhiên, nếu được thiết kế đúng cách, ISA không chỉ là một giải pháp tài chính mà còn có thể thay đổi đáng kể cách vận hành của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Khi quyền lợi của nhà đầu tư, doanh nghiệp và sinh viên gắn chặt với nhau, mô hình này có thể thúc đẩy sự liên kết mạnh mẽ giữa đào tạo và nhu cầu lao động thực tế, tạo ra động lực để các bên tham gia có trách nhiệm hơn. Vậy ISA có thể tạo ra tác động như thế nào đối với giáo dục đại học, và cần làm gì để triển khai mô hình này hiệu quả tại Việt Nam?

ISA như một động lực thay đổi


Trong mô hình giáo dục hiện tại, hầu hết các trường đại học Việt Nam vẫn hoạt động theo tư duy “đầu vào là tất cả”, nghĩa là tập trung chủ yếu vào tuyển sinh mà ít quan tâm đến chất lượng đầu ra. Một khi sinh viên đã đóng học phí và tốt nghiệp, trách nhiệm của nhà trường coi như chấm dứt. Điều này dẫn đến thực trạng phổ biến: sinh viên ra trường không có việc làm hoặc phải chật vật tìm kiếm công việc trái ngành, trong khi nhiều doanh nghiệp lại than phiền rằng sinh viên mới tốt nghiệp không đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường lao động.

ISA có thể làm thay đổi cách các trường đại học vận hành bằng cách đặt họ vào cuộc chơi (have skin in the game), tức là buộc các trường phải chịu trách nhiệm thực sự với chất lượng đầu ra của sinh viên. Khi trường đại học tài trợ ISA, nguồn thu của họ không còn phụ thuộc vào số lượng tuyển sinh mà gắn chặt với thu nhập tương lai của sinh viên. Điều này có nghĩa là, nếu sinh viên thất nghiệp hoặc có mức thu nhập thấp sau tốt nghiệp, trường cũng sẽ chịu rủi ro tài chính. Ngược lại, khi sinh viên thành công trong sự nghiệp, nhà trường mới thực sự hưởng lợi. ISA sẽ giúp các trường đại học không chỉ là đơn vị cung cấp giáo dục mà trở thành nhà đầu tư vào tương lai của sinh viên.

Khi đã có “skin in the game”, các trường không thể chỉ chạy theo số lượng tuyển sinh mà buộc phải tập trung vào chất lượng đào tạo và khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên. Họ sẽ cần thiết kế chương trình giảng dạy thực tiễn hơn, chú trọng vào kỹ năng thay vì chỉ cung cấp lý thuyết. Các chương trình thực tập, hướng nghiệp và kết nối doanh nghiệp sẽ không thể chỉ mang tính hình thức, mà trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược đào tạo. Khi thành công của sinh viên đồng nghĩa với thành công tài chính của trường, động lực nâng cao chất lượng đào tạo sẽ trở thành bắt buộc, chứ không còn là trách nhiệm mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, ISA cũng mở ra cơ hội để các trường đại học hợp tác sâu rộng hơn với khu vực doanh nghiệp. Các công ty có thể tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, từ việc đồng thiết kế chương trình giảng dạy đến tài trợ ISA cho những sinh viên xuất sắc. Điều này giúp bảo đảm rằng sinh viên học đúng những kỹ năng mà thị trường cần. Khi doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên cùng có lợi ích chung trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, ISA có thể tạo ra một mô hình giáo dục đại học gắn kết với thực tiễn hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.

Chi phí giáo dục đại học tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt sau khi nhiều trường chuyển sang cơ chế tự chủ, khiến sinh viên và gia đình có thể chịu áp lực tài chính lớn. Ảnh minh họa: Shutter
Chi phí giáo dục đại học tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt sau khi nhiều trường chuyển sang cơ chế tự chủ, khiến sinh viên và gia đình có thể chịu áp lực tài chính lớn. Ảnh minh họa: Shutter

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế. Từ việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng, y tế, đến mở rộng mô hình hợp tác công – tư (PPP) trong nhiều lĩnh vực, xu hướng này thể hiện rõ chiến lược giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tận dụng nguồn lực từ xã hội để thúc đẩy tăng trưởng. Thế nhưng, dù đã có nhiều chính sách cởi mở trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, giáo dục đại học – lĩnh vực trực tiếp tạo ra nguồn nhân lực cho nền kinh tế – vẫn chưa thực sự tận dụng được dòng vốn và sự tham gia tích cực từ khu vực tư nhân.

ISA có thể là lời giải cho bài toán này. Nếu coi giáo dục không chỉ là một dịch vụ công mà còn là một lĩnh vực cần đầu tư dài hạn, thì sự tham gia của khu vực tư nhân vào mô hình ISA có thể mang lại lợi ích kép: giảm áp lực tài chính cho Nhà nước và đồng thời tạo ra một thị trường giáo dục vận hành theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh hơn.

Trước hết, ISA có thể giảm áp lực ngân sách nhà nước bằng cách thay thế một phần chương trình tín dụng sinh viên. Hiện tại, sinh viên phụ thuộc vào các khoản vay ưu đãi từ chính phủ, vốn có phạm vi hạn chế và khó đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. ISA không làm thay đổi cơ chế tài chính của các trường đại học, mà tạo ra một kênh tài trợ mới cho sinh viên, nơi các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và tổ chức tài chính trực tiếp hỗ trợ sinh viên, giúp họ theo đuổi giáo dục mà không cần vay nợ theo cách truyền thống.

Khi nguồn vốn tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào giáo dục, gánh nặng tài chính của nhà nước sẽ giảm bớt, đồng thời tạo ra một cơ chế tài chính bền vững hơn. Nhà nước không còn phải duy trì một hệ thống tín dụng sinh viên chưa hiệu quả, mà có thể tập trung nguồn lực vào các chính sách giáo dục khác có tác động lâu dài hơn.

Thứ hai, khi khu vực tư nhân tham gia trực tiếp vào tài trợ giáo dục qua ISA, họ sẽ có động lực đảm bảo rằng chương trình đào tạo phải gắn chặt với thực tiễn thị trường lao động. Không doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào một hệ thống giáo dục mà sinh viên tốt nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Do đó, ISA không chỉ giúp giải quyết bài toán tài chính mà còn tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp, đảm bảo rằng sinh viên học đúng những kỹ năng mà thị trường cần.

Cuối cùng, ISA có thể tạo ra một hệ sinh thái đầu tư vào giáo dục đại học, nơi mà các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính, doanh nghiệp và trường đại học cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro. Nếu các tổ chức tư nhân nhìn thấy tiềm năng lợi nhuận từ việc đầu tư vào giáo dục, họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho sinh viên qua ISA, đồng thời thúc đẩy các trường đại học cạnh tranh để nâng cao chất lượng đào tạo. Một hệ thống giáo dục vận hành theo nguyên tắc thị trường nhưng vẫn được giám sát chặt chẽ sẽ không chỉ giúp sinh viên tiếp cận cơ hội học tập tốt hơn, mà còn nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực cho nền kinh tế trong dài hạn.

Triển khai thế nào?


ISA mở ra một kênh tài trợ giáo dục mới, nhưng để đảm bảo mô hình này hoạt động hiệu quả và bền vững tại Việt Nam, cần một lộ trình thực hiện chặt chẽ. Nếu triển khai vội vàng mà không có cơ chế giám sát và chia sẻ rủi ro hợp lý, ISA có thể trở thành con dao hai lưỡi, gây bất lợi cho cả sinh viên lẫn các tổ chức tài trợ.

Hành lang pháp lý minh bạch để bảo vệ sinh viên và tổ chức tài trợ

ISA không phải là một khoản vay theo nghĩa truyền thống, nhưng cũng không thể là một hợp đồng tài chính không có ràng buộc. Vì vậy, cần có một khung pháp lý rõ ràng để xác định quyền lợi và trách nhiệm của các bên. Điều này bao gồm việc quy định minh bạch về tỷ lệ phần trăm thu nhập phải hoàn trả, thời gian cam kết tối đa và cơ chế bảo vệ sinh viên khỏi các điều khoản bất lợi. Đặc biệt, chính phủ cần có các quy định giới hạn mức thanh toán tối đa, đảm bảo rằng sinh viên không phải hoàn trả số tiền bất hợp lý so với chi phí thực tế của khóa học. Một hệ thống giám sát mạnh mẽ cũng là cần thiết để tránh tình trạng lạm dụng hoặc điều khoản thiếu công bằng từ phía các tổ chức tài trợ.

Xây dựng hệ thống theo dõi thu nhập đáng tin cậy

Một trong những thách thức lớn nhất của ISA tại Việt Nam là giám sát thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ở các nước có hệ thống thuế chặt chẽ như Úc hay Đức, chính phủ có thể dễ dàng xác minh thu nhập để thu hồi các khoản hoàn trả ISA. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống quản lý thu nhập cá nhân minh bạch, và việc sinh viên nhận lương bằng tiền mặt hoặc thông qua các cơ chế ngoài sổ sách sẽ gây khó khăn lớn trong quá trình thực thi ISA.

Để khắc phục vấn đề này, cần xây dựng một nền tảng dữ liệu thu nhập liên kết với hệ thống thuế hoặc bảo hiểm xã hội. Nền tảng này không chỉ giúp đảm bảo tính minh bạch mà còn giúp giảm rủi ro thất thoát tài chính cho các tổ chức tài trợ ISA. Chính phủ có thể hợp tác với doanh nghiệp để khuyến khích báo cáo thu nhập chính xác hơn, đồng thời đảm bảo rằng sinh viên không gặp trở ngại hành chính khi thực hiện nghĩa vụ hoàn trả.

Tạo cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý để thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân

ISA hoạt động dựa trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro: sinh viên không phải chịu áp lực trả nợ cố định, nhưng các tổ chức tài trợ cũng đối mặt với nguy cơ không thu hồi đủ vốn nếu sinh viên có thu nhập thấp hoặc thất nghiệp. Nếu không có cơ chế phân bổ rủi ro hợp lý, các tổ chức tài trợ có thể đặt ra điều kiện quá khắt khe, làm mất đi tính hấp dẫn của ISA.

Một giải pháp khả thi là bảo lãnh một phần ISA cho các nhóm ngành chiến lược như STEM, y tế và giáo dục. Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp bảo lãnh rủi ro cho một phần khoản ISA của sinh viên trong các lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao nhưng chi phí đào tạo lớn. Điều này sẽ khuyến khích các tổ chức tài trợ mạnh dạn đầu tư vào ISA mà không lo ngại quá mức về rủi ro tài chính.

Ngoài ra, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp hoặc quỹ đầu tư tài trợ ISA có thể là một cách hiệu quả để thu hút vốn tư nhân vào giáo dục. Khi các tổ chức tài chính nhìn thấy tiềm năng sinh lợi trong dài hạn từ việc đầu tư vào nhân lực, họ sẽ sẵn sàng tham gia thị trường ISA, giúp mở rộng mô hình này mà không cần nhà nước phải gánh toàn bộ trách nhiệm tài chính.

Thí điểm ISA ở các ngành có nhu cầu lao động cao

Không phải ngành học nào cũng phù hợp với ISA. Mô hình này hoạt động tốt nhất trong các lĩnh vực có thu nhập ổn định và nhu cầu lao động cao, nơi sinh viên có khả năng hoàn trả khoản tài trợ một cách bền vững. Việt Nam có thể bắt đầu thử nghiệm ISA ở các ngành như:

• Công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu – lĩnh vực có mức lương cao và nhiều cơ hội việc làm.
• Y tế, điều dưỡng – nhu cầu nhân lực lớn, đảm bảo khả năng kiếm việc sau tốt nghiệp.
• Tài chính, quản trị kinh doanh – ngành có tiềm năng thu nhập tốt sau 3-5 năm làm việc.
• Kỹ thuật, xây dựng – doanh nghiệp có thể trực tiếp tham gia tài trợ ISA để thu hút nhân lực.

Việc thí điểm ISA ở một số ngành cụ thể không chỉ giúp đánh giá tính khả thi của mô hình này tại Việt Nam mà còn tạo tiền đề để mở rộng nó trong tương lai. Khi ISA chứng minh được hiệu quả, có thể dần áp dụng cho nhiều ngành khác, đồng thời cải tiến mô hình để phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực.

ISA không phải là “thuốc thần” có thể giải quyết mọi vấn đề của tài chính giáo dục, nhưng nó là một ý tưởng đáng để thử nghiệm. Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ tiên phong thử nghiệm ISA tại Việt Nam? Đó sẽ là những trường đại học có tư duy đổi mới, hay những quỹ đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro? Dù ai là người đi trước thì một điều chắc chắn: ISA là một thách thức lớn, nhưng cũng là một cơ hội không nên bỏ lỡ.

Bài đăng KH&PT số 1332 (số 8/2025)

Các kỳ trước:

Thỏa thuận chia sẻ thu nhập: Một mô hình tài chính giáo dục đại học linh hoạt. Kỳ 1: Thỏa thuận chia sẻ thu nhập là gì

Thỏa thuận chia sẻ thu nhập: Một mô hình tài chính giáo dục đại học linh hoạt. Kỳ 2: Lý thuyết và thực tiễn