Trong báo cáo “Electricity 2025” được công bố vào tháng 2/2025, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức tiêu thụ điện trên thế giới sẽ tăng gần 4% mỗi năm cho đến năm 2027. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất trong những năm gần đây.
Nguyên nhân chính là do sự mở rộng của các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện, nhu cầu điều hòa không khí ngày càng cao, quá trình điện khí hóa diễn ra nhanh chóng và sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm dữ liệu.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chiếm 85% mức tăng trưởng, trong đó Trung Quốc dẫn đầu với mức tiêu thụ điện tăng 7% trong năm 2024 và dự báo sẽ tăng trung bình khoảng 6% mỗi năm đến năm 2027.
Nhu cầu điện cũng tăng mạnh tại Mỹ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến chỉ quay lại mức tiêu thụ điện của năm 2021 vào năm 2027, sau khi giảm mạnh trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2023 do cuộc khủng hoảng năng lượng.
IEA nhận định nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng tái tạo và hạt nhân, sẽ đủ đáp ứng toàn bộ mức tăng trưởng điện toàn cầu trong ba năm tới. Điện Mặt trời dự kiến chiếm khoảng 50% mức tăng trưởng này. Mỹ, Trung Quốc, EU và Ấn Độ có tỷ lệ điện Mặt trời chiếm tỷ trọng 10% tổng sản lượng điện trước năm 2027.
Do những xu hướng trên, lượng khí thải CO2 từ ngành sản xuất điện toàn cầu dự kiến sẽ giữ ổn định trong những năm tới sau khi tăng khoảng 1% vào năm 2024.
Báo cáo cũng nhấn mạnh thách thức đối với hệ thống điện toàn cầu, bao gồm các đợt thiên tai như bão mùa đông tại Mỹ, lốc xoáy trên Đại Tây Dương, mất điện do thời tiết khắc nghiệt ở Brazil và Úc, tình trạng hạn hán ảnh hưởng đến thủy điện ở Ecuador, Colombia và Mexico. Những sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng thích ứng và linh hoạt cho hệ thống điện trong tương lai.
Nguồn: iea.org
Tin đăng KH&PT số 1332 (số 8/2025)
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch