Là cha đẻ của PLATO, một mạng lưới giáo dục trên máy tính, Donald Bitzer đã thúc đẩy quá trình phát triển màn hình plasma và dịch vụ nhắn tin số, góp phần định hình văn hóa mạng hiện đại.

Kỹ sư điện tử Donald Bitzer đã cùng hai đồng nghiệp phát minh ra màn hình plasma. Nguồn: Marc Hall/ Đại học Bang North Carolina
Kỹ sư điện tử Donald Bitzer đã cùng hai đồng nghiệp phát minh ra màn hình plasma. Nguồn: Marc Hall/ Đại học Bang North Carolina

Nhiều năm trước khi mạng Internet ra đời và những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên xuất hiện, một nền tảng giáo dục có tên là PLATO đã hé mở cho chúng ta về thế giới số sắp tới. Ra mắt vào năm 1960 tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign (UIUC), PLATO là hệ thống hướng dẫn tổng quát dựa trên máy tính đầu tiên, và phát triển thành nền tảng sơ khởi cho bảng tin, email, phòng chat, tin nhắn tức thời và trò chơi điện tử nhiều người chơi.

Người phát triển nền tảng này là Donald Bitzer, một kỹ sư điện tử đã cởi mở hoan nghênh mọi đóng góp từ sinh viên Đại học Illinois cũng như học sinh trung học.

Sinh ra và lớn lên ở Illinois, Bitzer vừa lấy được bằng tiến sĩ đã tham gia đội ngũ giảng dạy của Đại học Illinois Urbana-Champaign, tại đây ông tham gia đề xuất phát triển một chương trình giáo dục vi tính hóa. Đại học Illinois đã thành lập một ủy ban vào năm 1959 để khám phá ý tưởng này, nhưng họ không thể đi tới sự đồng thuận về đề xuất cho đến khi tiến sĩ Bitzer gia nhập và giới thiệu tầm nhìn của ông về PLATO, viết tắt của Logic được lập trình cho Các hoạt động giảng dạy Tự động.

Dưới sự chỉ đạo của ông, nền tảng này được chạy trên chiếc máy tính đột phá của ngôi trường mang tên ILLIAC I, một máy chủ khổng lồ nặng năm tấn được hình thành từ 2.800 ống chân không. Sinh viên có thể sử dụng các thiết bị đầu cuối máy tính để truy cập tài liệu khóa học thông qua mạng lưới hạn chế trong khuôn viên trường, chạy bằng các tín hiệu truyền hình do ILLIAC I tạo ra.

Để mở rộng nền tảng này, tiến sĩ Bitzer đã tìm cách xây dựng một màn hình tốt hơn cho các máy tính. Thời đó, màn hình sử dụng các ống tia âm cực để tạo hình ảnh nên nó thường nhấp nháy. Cuộc hợp tác giữa ông và giáo sư Gene Slottow và nghiên cứu sinh Robert Willson tại Đại học Illinois đã cho ra đời màn hình plasma, sử dụng các điện cực vàng để kích thích khí neon được giữ trong các tấm kính mỏng. Khi được kích thích, các nguyên tử neon chuyển từ trạng thái năng lượng thấp lên trạng thái năng lượng cao (trạng thái plasma), khiến nó chiếu sáng các điểm ảnh (pixel), tạo thành từ và hình ảnh. Đây chính là tiền thân của màn hình siêu mỏng được sử dụng trên ti vi và máy tính bảng ngày nay.

Những màn hình plasma đầu tiên chỉ có thể hiển thị một màu duy nhất là màu cam. Cho đến đầu những năm 1990 thì hệ thống màn hình plasma đã phát triển và có thể hiển thị đầy đủ màu sắc. Trong vòng một thập niên, màn hình plasma đã trở thành một thiết bị thông dụng trong mọi gia đình. Chúng được sử dụng cho cả máy tính cũng như tivi có độ nét cao.

Tiến sĩ Bitzer tiếp tục cải thiện PLATO cho tới khi nó phát triển mạnh mẽ trong những năm 1970, được mở rộng sang các trường đại học khác, trường tiểu học, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ. Vô số ứng dụng nhắn tin và liên lạc xuất hiện trên nền tảng này. Tác giả của các ứng dụng này chính là những người dùng nhận thấy giá trị của nền tảng không chỉ thể hiện ở mặt giáo dục, mà còn có tiềm năng giải trí và kết nối.

“Tất cả các tính năng mà bạn thấy bọn trẻ sử dụng hiện nay, như bảng thảo luận hoặc diễn đàn và blog, đều bắt đầu từ PLATO”, ông phát biểu trong chuyến trở về Đại học Illinois, trường cũ của mình vào năm 2014. “Tất cả các mạng xã hội mà chúng ta coi là hiển nhiên thực ra đều có khởi điểm là công cụ giáo dục”.

Bitzer vô cùng khuyến khích hoạt động đổi mới, ông duy trì một nền văn hóa cởi mở hiếm thấy trong phòng thí nghiệm của mình. Nơi đây luôn mở cửa chào đón tất cả mọi người quan tâm, thành viên nhỏ nhất chỉ có 12 tuổi đã thiết kế một số phần của hệ thống, theo lời kể của Brian Dear – tác giả và doanh nhân công nghệ – đã ghi chép lại lịch sử của PLATO trong cuốn sách “The Friendly Orange Glow” (Chùm sáng cam thân thiện) ra mắt năm 2017. Tiêu đề này ám chỉ màu sắc của màn hình plasma ban đầu.

Tiến sĩ Bitzer “khuyến khích những người trẻ tuổi — bất kỳ ai có hứng thú — hãy đến đây, loanh quanh trong này và đặt câu hỏi”, Dear cho biết. “Ông ấy luôn tìm kiếm những người thông minh nhất, bất kể xuất thân của họ, tuyển họ vào và khuyến khích phụ nữ” vào thời điểm lĩnh vực này do nam giới thống trị.

Mặc dù PLATO khó khăn thích ứng với sự phát triển của internet, nhưng các ứng dụng của nó đã ảnh hưởng đến các nhà phát triển khác ở Thung lũng Silicon, trong đó có cả các nhà nghiên cứu tới từ Xerox PARC, một nơi nổi tiếng với những đóng góp cho công nghệ thông tin và hệ thống phần cứng.

“Khi các mạng lưới như internet chỉ là một đề tài nghiên cứu mới lạ trong phòng thí nghiệm, hệ thống PLATO được nhiều người sử dụng của Don Bitzer đóng vai trò là buổi tổng duyệt cho những điều mà chúng ta thực hiện trên các mạng lưới ngày nay: học tập, giảng dạy, hợp tác, chat, gửi mail, chơi trò chơi, thảo luận...” – Dag Spicer, giám tuyển cấp cao tại Bảo tàng Lịch sử Máy tính ở California, phát biểu trong bài tưởng niệm tiến sĩ Bitzer. Ông nói thêm: “PLATO là một bưu thiếp tới từ tương lai của các cộng đồng trực tuyến, và hình mẫu của nó sẽ giúp tương lai đó trở thành hiện thực”.

Từ nhỏ, Bitzer đã say mê toán học và khoa học. Ông không thích tới trường mà ham mê ở nhà mày mò chế tạo các thiết bị như đài phát thanh nghiệp dư, thiết bị thu sóng vô tuyến và tự làm ra đèn hồ quang, tái sử dụng điện cực carbon từ pin. Lớn lên, ông tiếp tục theo đuổi ngành kỹ thuật điện tại Đại học Illinois, lấy bằng cử nhân năm 1955, bằng thạc sĩ năm 1956 và bằng tiến sĩ năm 1960.

Tiến sĩ Bitzer rời Đại học Illinois vào năm 1989 và gia nhập Khoa khoa học máy tính tại Đại học bang North Carolina. Khi đã lớn tuổi, ông không chịu nghỉ hưu mà tiếp tục nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và mã hóa tích chập, cùng nhiều chủ đề khác.

Tiến sĩ Bitzer được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia năm 1974, được đưa vào Viện Danh vọng Nhà phát minh Quốc gia năm 2013 và được vinh danh là thành viên của Bảo tàng Lịch sử Máy tính năm 2022. Năm 2002, ông đã chia sẻ Giải thưởng Emmy về thành tựu công nghệ với Slottow và Willson, cho công trình phát triển màn hình plasma của họ.

Trong khi các nhà sản xuất tivi dần chuyển sang công nghệ LED thay vì màn hình plasma, tiến sĩ Bitzer không hề hối tiếc khi thấy loại màn hình này biến mất: Ông cho biết mình luôn dự đoán rằng sự thịnh vượng về mặt thương mại của màn hình plasma sẽ phai nhạt và công nghệ mới sẽ thay thế nó.

“Đó là lý do tại sao tôi cố gắng dạy học sinh của mình cách tư duy”, ông nói. “Nếu các em biết cách tư duy, các em có thể nghĩ ra những ý tưởng mới mang tính sáng tạo”.

Nguồn: washingtonpost.com

Bài đăng KH&PT số 1332 (số 8/2025)