Cánh turbine gió. Ảnh: Wikimedia
Cánh turbine gió. Ảnh: Wikimedia

Các nhà khoa học tại Viện Vật lý Hóa học Lan Châu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phát triển công nghệ mang tính đột phá, giúp tái chế cánh turbine gió hết hạn sử dụng thành vật liệu lát đường.

Trong khi các bộ phận như tháp, trục và hộp số có thể tái chế thành kim loại phế liệu, cánh turbine gây ra thách thức lớn do làm từ vật liệu tổng hợp như sợi thủy tinh, sợi carbon và nhựa epoxy. Những đặc tính này giúp cánh turbine nhẹ, bền và chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, nhưng cũng khiến quá trình tái chế tốn kém và khó thực hiện trên quy mô lớn.

Nhóm nghiên cứu đã tận dụng các đặc điểm của cánh turbine để biến chúng thành vật liệu cho hỗn hợp nhựa đường và bê tông. Bằng phương pháp nghiền cơ học và xử lý hóa học, nhóm đã thử nghiệm thành công công nghệ này trên một đoạn đường cao tốc ở tỉnh Cam Túc vào tháng 9/2024.

Sau hơn 5 tháng sử dụng, bề mặt đường không xuất hiện vết nứt, lún hay bong tróc, chứng tỏ tính khả thi của phương pháp này. Trong năm 2025, công nghệ mới sẽ tiếp tục được thử nghiệm tại nhiều dự án khác nhằm cung cấp giải pháp tái chế quy mô lớn cho các trang trại điện gió sau khi ngừng hoạt động, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành năng lượng tái tạo.

Nguồn: Newatlas, Xinhua

Tin đăng KH&PT số 1332 (số 8/2025)