Tính đến năm 2023, thông qua các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene, tổng số nguồn gene được thu thập và lưu giữ được là 80.911, trong đó có 47.772 nguồn gene thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gene cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gene dược liệu...

Sâm Ngọc Linh thuộc 250 loài thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam. Ảnh: Tạp chí môi trường
Sâm Ngọc Linh thuộc 250 loài thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam. Ảnh: Tạp chí môi trường

Các kết quả trên được thông tin tại hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene giai đoạn 2015 - 2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025 - 2023” do Bộ KH&CN tổ chức ngày ngày 29/7.

Bên cạnh đó, cho đến nay, chúng ta đã đánh giá ban đầu trên 55.800 nguồn gene, đánh giá chi tiết trên 14.100 nguồn gene. Nhiều nguồn gene được khai thác và ứng dụng trong sản xuất, đời sống như: Sâm Ngọc linh, tôm mũ ni, cá hô, lúa bản địa chất lượng cao, cây vù hương, lợn ỉ... góp phần nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm.

Một số nguồn gene đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa tập trung, được xây dựng và bảo hộ thương hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn như: Cam xã Đoài, bưởi Diễn, quýt Bắc Kạn, hồng không hạt, miến dong, vịt bầu cổ xanh, gạo bao thai Chợ Đồn, chè shan tuyết xã Bằng Phúc huyện Chợ Đồn...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá, “Đây là nguồn vật liệu vô cùng quý, phục vụ cho công tác chọn tạo, lai tạo các giống mới có năng suất, chất lượng tốt hơn, giá trị cao hơn.”