Các bên dự kiến hợp tác phát triển các dạng nanoEGCG chiết xuất từ lá chè thành các hoạt chất làm nguyên liệu cho mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm.

Ký kết hợp tác giữa FiboLabs, VKIST và Việt Bắc L’Héritage nhằm tìm kiếm giải pháp gia tăng giá trị kinh tế của cây chè Thái Nguyên. Nguồn: VKIST
Ký kết hợp tác giữa VKIST, Việt Bắc L’Héritage và FiboLabs nhằm tìm kiếm giải pháp gia tăng giá trị kinh tế của cây chè Thái Nguyên. Nguồn: VKIST

Ngày 9/4, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đã ký biên bản ghi nhớ với công ty nghiên cứu FiboLabs và doanh nghiệp Việt Bắc L’Héritage nhằm triển khai các dự án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị kinh tế cây chè Thái Nguyên.

Lễ ký kết có sự chứng kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Phó Giám đốc Sở KH&CN Thái Nguyên Nguyễn Thị Thủy.

Theo PGS.TS. Phương Thiện Thương – Phó Viện trưởng VKIST, các dự án hợp tác sẽ tập trung nghiên cứu quy trình công nghệ chiết xuất và tinh chế hoạt chất Epigallocatechin Gallate (EGCG) từ cây chè Thái Nguyên, hướng đến ứng dụng vào sản xuất ở quy mô công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

EGCG, chất chống oxy hóa rất mạnh, có nhiều nhất trong lá chè xanh (Cammelia sinensis, chiếm từ 3-7%), cao hơn nhiều so với các loài khác như táo, mận, hành tây, hạt dẻ, hạt phỉ... EGCG có các tác dụng dược lý tốt như phòng chống bệnh tim mạch, ung thư, Alzheimer, chống viêm, làm lành vết thương, hấp thụ tia UV. Hoạt chất này đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm. Theo báo cáo của Valuates Report,nhu cầu về EGCG trên thế giới ước đạt khoảng trên 220 triệu USD vào năm 2030.

Mặc dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng EGCG lại không được hấp thụ tốt qua đường uống hay qua đường bôi ngoài da do EGCG kém bền vững và rất phân cực [do màng tế bào là môi trường không phân cực nên các phân tử phân cực như EGCG có thể gặp khó khăn trong việc đi xuyên qua màng tế bào để vào trong tế bào]. Để khắc phục, các nhà khoa học đang tìm cách “đóng gói” EGCG vào các hạt siêu nhỏ (nanoEGCG) hoặc điều chỉnh cấu trúc của hợp chất để giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn và giữ được hiệu quả lâu hơn.

Theo Biên bản thỏa thuận hợp tác, VKIST và FiboLabs sẽ cùng nghiên cứu và phát triển quy trình chiết xuất và tinh chế hợp chất EGCG và tạo ra nanoEGCG. Sau khi hoàn thành nghiên cứu ở quy mô pilot, kết quả sẽ được chuyển giao cho công ty Việt Bắc L’Héritage ứng dụng để sản xuất EGCG tại nhà máy của công ty ở tỉnh Thái Nguyên.

Việt Bắc L’Héritage cho biết sẽ phát triển một hệ thống phân phối, kinh doanh nhằm đưa các sản phẩm có nguồn gốc từ chè Việt Nam ra thị trường, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, v.v.

Tại lễ ký, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá việc hợp tác này là một minh chứng tốt cho những nỗ lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ một tổ chức nghiên cứu công lập sang khu vực tư nhân, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mới đây.

Nhấn mạnh những khó khăn sau nghiên cứu và phát triển, ông Quân đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Bộ KH&CN hỗ trợ cho khâu ra thị trường của các sản phẩm mới có nguồn gốc từ chè này. Nếu không xây dựng được thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối bền vững, những thành quả từ nghiên cứu rất dễ bị lãng quên, không phát huy được giá trị.

Chè là một trong những cây trồng chủ lực của Thái Nguyên, đóng góp khoảng 10-15% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), lên tới 12,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Toàn tỉnh hiện có gần 22.500 ha chè, với kế hoạch mở rộng đến 23.500 ha vào năm 2025.

Nếu tính trên toàn Việt Nam, giá trị nền kinh tế chè ước đạt khoảng trên 500 triệu USD, trong đó khoảng một nửa được xuất khẩu. Tuy nhiên, một lượng lớn phế phẩm như lá chè già, chè vụn phải bỏ đi mỗi năm lên tới hàng chục nghìn tấn, trong khi chúng chứa một lượng rất lớn EGCG.

"Chúng tôi hy vọng rằng sự hợp tác này sẽ làm giá trị của cây chè Thái Nguyên lên, làm tăng thu nhập cho người dân trồng chè Thái Nguyên nói riêng và cả Việt Nam nói chung", PGS.TS. Phương Thiện Thương cho biết.

Tin đăng KH&PT số 1339 (số 15/2025)