Theo lộ trình do Chính phủ ban hành, học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ bắt đầu tăng từ năm học 2023-2024. Mặc dù mục đích là nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, việc tăng học phí cần đi kèm các chính sách hỗ trợ để không ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận đại học của người dân.

Phương án khả dĩ nhất

Với nhu cầu vào đại học ngày càng cao của người dân, các trường đại học đang đối mặt với áp lực tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy, thu hút và duy trì đội ngũ giảng viên giỏi. Để làm được những việc đó, các trường cần bảo đảm nguồn chi trên đầu sinh viên (chi phí đơn vị), sao cho sinh viên nhận được một trải nghiệm giáo dục đủ tốt.

So với các quốc gia trong khu vực, chi phí đơn vị giáo dục đại học Việt Nam còn thấp - chỉ ở mức 1.095 USD/sinh viên/năm so với Malaysia 9.386 USD, Thái Lan 2.130 USD, Indonesia 1.819 USD vào năm 20101. Còn qua các con số trong một bài báo năm 20182, có thể ước tính chi phí đơn vị này về sau đã tăng lên khoảng 57 triệu đồng/sinh viên/năm. Trong khi đó, Giáo sư Phạm Phụ đã áp dụng tiếp cận của Ngân hàng Thế giới (dựa trên so sánh mức giá dịch vụ và GDP đầu người) để ước tính chi phí đào tạo hợp lý ở bậc đại học của Việt Nam vào khoảng 120% GDP đầu người3. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP bình quân đầu người năm 2022 ước tính đạt 95,6 triệu đồng, suy ra chi phí đơn vị hợp lý trong giáo dục đại học Việt Nam vào khoảng gần 115 triệu đồng/sinh viên/năm.

a
Biểu đồ tỷ lệ nguồn thu của các trường đại học công Việt Nam giai đoạn 2015 – 2017. Nguồn: https://doi.org/10.1057/s41599-021-00927-2

Về lý thuyết, các trường có thể nâng chi phí đơn vị bằng cách tăng kinh phí từ bốn nguồn chính: trợ cấp từ ngân sách nhà nước; học phí từ người học; hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ đầu tư; và hiến tặng. Tuy nhiên, với mức độ đa dạng hóa tài chính đáng báo động khi học phí chiếm gần 60% tổng nguồn thu của các trường đại học công trong giai đoạn 2015-20174 (học phí chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng thu nhập của các trường công ở Mỹ vào năm 20195), cùng với việc mức đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học đã giảm đáng kể và ở mức rất thấp6, việc tăng học phí gần như là cách duy nhất để tăng chi phí đơn vị, hay nói cách khác là tăng chất lượng giáo dục, ở thời điểm hiện nay.

Song tăng học phí không thể là một kế sách bền vững về lâu dài. Để giảm áp lực tài chính lên học phí và ngân sách nhà nước, các trường đại học còn phải đồng thời chú trọng các nguồn thu khác. Cụ thể, các trường phải có kế hoạch tăng cường hoạt động nghiên cứu, xúc tiến các dự án nghiên cứu ứng dụng và tạo ra giải pháp thực tế cho xã hội. Ngoài ra, phải tính đến mở rộng việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu với các doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài để bổ sung nguồn thu ổn định và cung cấp cơ hội cho sinh viên làm việc với các chuyên gia và phát triển kỹ năng thực tế.

Đầu tư và hiến tặng cũng có thể đóng góp đáng kể cho nguồn tài chính của các trường. Bên cạnh thu hút các nhà đầu tư và nhà tài trợ tham gia phát triển các dự án, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo, nếu các trường xây dựng được quan hệ đối tác với các doanh nghiệp và tổ chức xã hội thì họ sẽ có cơ hội nhận thêm các khoản tài trợ hoặc hỗ trợ.

Tuy nhiên, tăng nguồn thu thôi thì chưa đủ, mà còn cần có cơ chế kiểm soát việc chi tiêu của các trường thông qua áp dụng các biện pháp như chuyển đổi số, tiết kiệm điện nước, đầu tư hiệu quả và xem xét thu nhập hợp lý cho cán bộ giảng viên. Nếu không nâng cao hiệu suất quản lý nhằm giảm chi phí, thì dù nguồn thu có tăng, các trường sẽ vẫn thiếu kinh phí để tuyển dụng giảng viên chất lượng và đầu tư vào cơ sở vật chất.

Đổi mới các hình thức tín dụng sinh viên

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, thực hành tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô. Nguồn: hufi.edu.vn
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, thực hành tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô. Nguồn: hufi.edu.vn

Việc tăng học phí có thể ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận đại học của một bộ phận người dân. Để ứng phó với nguy cơ này một cách hiệu quả, phải tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới các khoản học bổng và tín dụng dành cho sinh viên.

Trong các nền giáo dục phương Tây như Anh và Mỹ, mô hình "học phí cao - hỗ trợ cao" đã được áp dụng thành công. Tuy học phí có mức cao, nhưng các học bổng và hỗ trợ học phí được cung cấp rộng rãi và có giá trị cao, nhằm khuyến khích và thu hút sinh viên giỏi, nhiều tiềm năng, đồng thời góp phần xây dựng một cơ sở giáo dục đại học đa dạng và phát triển.

Tuy nhiên, số lượng các chương trình hỗ trợ học bổng thường không thể đáp ứng hết số sinh viên có nhu cầu. Trong khi đó, chương trình tín dụng sinh viên sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng hơn.

Chương trình cho vay sinh viên ở Việt Nam hiện nay đã giúp được rất nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến trường nhưng nhìn chung, sinh viên và phụ huynh vẫn mang tâm lý e dè khi tiếp cận khoản vay do thủ tục hành chính và đặc biệt là áp lực trả nợ sau tốt nghiệp. Theo quyết định 157/2007 QĐ-TTg, sinh viên sẽ bắt đầu trả nợ không quá 12 tháng sau khi tốt nghiệp mặc dù có thể lúc đó công việc chưa ổn định. Vì vậy, cần có những đổi mới trong chính sách tín dụng sinh viên, cụ thể là xem xét chương trình tín dụng dựa trên thu nhập, theo đó, sinh viên sẽ bắt đầu trả nợ khi có thu nhập ổn định. Đây là cũng là xu hướng mà các hệ thống giáo dục tiên tiến đang áp dụng. Các lợi ích, thách thức và đề xuất triển khai đã được tác giả trình bày trong một số bài viết trước đây trên báo Khoa học & Phát triển.

Tăng học phí là việc khó tránh khỏi, và điều này khiến giáo dục đại học càng gặp nhiều thách thức hơn trong bối cảnh tỷ lệ học sinh vào đại học thấp, chưa đến 30% vào năm 2019, bằng một nửa mức của các quốc gia thu nhập trung bình cao7. Bởi vậy, việc thực hiện các biện pháp đi kèm là cực kỳ quan trọng bởi chúng không chỉ có tác dụng nâng cao mức độ tiếp cận giáo dục đại học mà còn bảo đảm chất lượng đào tạo, hay nói cách khác là khẳng định lại giá trị của tấm bằng đại học trong bối cảnh hiện nay.


Tài liệu tham khảo

1. Estimating unit cost of public university education in Vietnam. Educational Research for Policy and Practice, 20(3), 279-305.

2. Tài chính cho giáo dục đại học: Ai gánh? - Báo Khoa học và Phát triển



5. Postsecondary Institution Revenues. Báo cáo thường niên. The National Center for Education Statistics (NCES)



Đọc thêm: