“Thương cho roi cho vọt” có lẽ vẫn phổ biến ở các cha mẹ Việt Nam, theo công bố mới của GS. Nguyễn Hữu Minh và các cộng sự trên Child Indicators Research, phân tích dữ liệu các Điều tra đa Chỉ số theo cụm của Việt Nam (MICS) năm 2006, 2011 và 2014.
Kết quả, dữ liệu năm 2014 cho thấy cứ 2/3 trẻ em từ 1–14 tuổi trải qua một số hình thức kỷ luật bạo lực.
Trẻ em trai có xu hướng bị kỷ luật bạo lực cao hơn một chút so với trẻ em gái. Mức độ phổ biến của kỷ luật bạo lực cao nhất ở trẻ em 5–9 tuổi, sau đó giảm xuống ở giai đoạn trẻ em 10–14 tuổi. Trẻ em có nguy cơ bị trừng phạt bạo lực cao hơn gấp 4 lần nếu mẹ/ người chăm sóc chính của chúng coi trừng phạt thân thể là cần thiết.
Nghiên cứu cũng cho thấy điều đáng mừng là các hình thức kỷ luật trẻ em bạo lực cũng đã giảm đáng kể. Các hành vi đay nghiến xúc phạm về tâm lý với trẻ em có xu hướng giảm từ năm 2006 đến năm 2011, các hành vi trừng phạt thể chất giảm trong giai đoạn 2011–2014. Hành vi bạo lực tâm lý và thể xác với trẻ em không chỉ có ở Việt Nam. Trên thế giới, theo số liệu của UNICEF, ngay cả các trẻ nhỏ, 2/3 trẻ em 2-4 tuổi thường xuyên bị kỷ luật bạo lực hoặc gây gấy hấn về tâm lý.
Bảo Như