Đây là ba loài cây thủy sinh được người nuôi cá cảnh ưa chuộng bởi chúng đẹp, lạ, và có sức sống tốt.

TPHCM là trung tâm cá cảnh lớn nhất nước, với nhiều cơ sở doanh nghiệp nuôi trồng, nghiên cứu và sản xuất kinh doanh nhiều giống cá cảnh. Vì vậy, nhu cầu hồ thủy sinh ngày càng tăng. Tuy nhiên, hầu hết loài cây thủy sinh hiện nay đều được nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Indonesia,… với giá thành cao.

Trong đó có trầu bà lá nhỏ, thường được gọi là Ráy lá nhỏ hoặc là Ráy rana. Mỗi cây thường chỉ cao khoảng 1 gang tay. Cây không cần dịch thủy sinh hay bất kì loại phân bón nào cũng có thể phát triển tốt trong bể cá.

Ngoài ra còn có Bucep với lá hình thuôn dài và các cạnh lượn sóng, màu từ xanh nhạt, xanh đậm đến đỏ, tím.

Cây tiêu thảo lá nhăn cũng là một loài cây thủy sinh được người chơi cá cảnh ưu tiên chọn lựa để trồng trong hồ bởi loài cây này có một đặc điểm là khi không ngập nước, lá cây có màu xanh nhưng đặt trong hồ nước lại chuyển sang màu nâu đỏ. Cùng với màu sắc của cá, cây tạo ra hồ cá có tính thẩm mỹ cao. Đồng thời, cây còn tạo nơi trú ẩn lý tưởng cho cá trong mùa sinh sản.

Ba loài cây thủy sinh nói trên được người nuôi cá cảnh ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung ưa chuộng bởi chúng đẹp, lạ, có sức sống tốt.

g
Thử nghiệm trồng cây Bucep trong hồ thủy sinh. Ảnh: NNC

Nhằm tạo ra các giống thủy sinh sạch bệnh, đáp ứng nhu cầu thị trường cá cảnh, nhóm tác giả Viện Sinh học nhiệt đới đã triển khai đề tài "Xây dựng quy trình nhân giống ba loài cây thủy sinh Tiêu thảo lá nhăn (Cryptocoryne wendtii), Bucep (Bucephalandra motleyana) và Trầu bà lá nhỏ (Anubias barteri var. nana) phục vụ thị trường cá cảnh" .

36 mẫu cây thủy sinh (12 mẫu Tiêu thảo lá nhăn, 12 mẫu Bucep và 12 mẫu Trầu bà lá nhỏ) được thu thập trực tiếp tại thị trường cây thủy sinh trên địa bàn TPHCM và được khử trùng, làm sạch virus phục vụ cho việc nhân giống invitro.

Kết quả từ các thí nghiệm cho thấy, đối với cây trầu bà lá nhỏ, môi trường nuôi cấy cảm ứng chồi hiệu quả là MS, 30g/l sucrose và bổ sung 2.0 mg/l BA, kết hợp NAA nồng độ 0.1 mg/l. Hệ số nhân chồi đạt 19.93 và hệ số nhân khối lượng là 6.68 sau 8 tuần nuôi cấy lỏng lắc. Cây trong giai đoạn trồng ở hồ có điều kiện thích hợp là pH từ 6 – 7, cường độ chiếu sáng 1.000 lux, với thời gian chiếu sáng 12 giờ/ngày, nhiệt độ 24oC

n
Nhân giống trầu bà lá nhỏ. Ảnh: NNC

Đối với cây Bucep, môi trường cảm ứng tạo chồi hiệu quả là MS, 30 g/l sucrose và bổ sung 1,5 mg/l BA, kết hợp 0.05 mg/l NAA. Hệ số nhân chồi đạt 13.03 và hệ số nhân khối lượng 3.63 sau 8 tuần nuôi cấy lỏng lắc. Trong giai đoạn trồng hồ, điều kiện thích hợp là pH từ 6 – 7, cường độ chiếu sáng 1.000 lux, với thời gian chiếu sáng 12 giờ/ngày, nhiệt độ 24oC.

Ở cây tiêu thảo lá nhăn, môi trường cảm ứng tạo chồi hiệu quả là MS, 30 g/l sucrose và bổ sung 1,5 mg/l BA, kết hợp 0.1 mg/l NAA. Hệ số nhân chồi đạt 22.7 và hệ số nhân khối lượng 9.49 sau 8 tuần nuôi cấy lỏng lắc. Trong giai đoạn trồng hồ, điều kiện thích hợp là pH từ 6 – 7, cường độ chiếu sáng 2500 lux, với thời gian chiếu sáng 10 giờ/ngày, nhiệt độ 27oC.

t
Tiêu thảo lá nhăn trong hồ thủy sinh sau 6 tuần nuôi trồng. Ảnh: NNC

Ngoài việc xây dựng quy trình nhân giống in vitro, quy trình thuần dưỡng, nhóm tác giả cũng đã sản xuất 1.500 cây giống thuộc ba loài cây thủy sinh nói trên. Các sản phẩm cây con khỏe mạnh, đạt chất lượng.

Theo TS. Đỗ Đăng Giáp, Chủ nhiệm đề tài, quy trình nhân giống các cây thủy sinh có tỷ lệ nhân giống như trên là khá cao, đáp ứng nhu cầu giống cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây thủy sinh trên địa bàn TPHCM. Đối với mỗi quy trình, Viện Sinh học nhiệt đới có thể sản xuất ra từ 100.000 đến 1 triệu cây giống mỗi năm. Viện cũng có thể chuyển giao công nghệ nhân giống, thuần dưỡng và ươm tạo đối với từng loại cây nói trên cho các hộ nuôi trồng thuỷ sinh trên cả nước.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.