Tạo rễ sâm trong phòng lab
Tiến sỹ (TS) Dương Hoa Xô - Giám đốc trung tâm, thành viên nhóm nghiên cứu - chia sẻ, việc trồng sâm Ngọc Linh cần 5-7 năm, năng suất thấp và chỉ thích hợp với thổ nhưỡng ở vùng núi Ngọc Linh. Do vậy, thành công trên là tiền đề cho việc nhân nhanh sinh khối rễ sâm, cung cấp nguyên liệu sản xuất saponin thay thế sản phẩm tự nhiên.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học làm lây nhiễm chủng vi khuẩn đất dạng dại Agrobacterium rhizogenes chứa gene rol vào vết thương cuống lá và lá cây sâm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Gene này được chuyển từ vi khuẩn sang cây sâm, kích thích rễ tóc tăng trưởng mạnh mà không cần bổ sung chất kích sinh trưởng, có khả năng tổng hợp các hoạt chất thứ cấp tương tự cây mẹ ngoài tự nhiên. Kết quả phân tích dịch chiết rễ tóc được tạo ra cho thấy có 3 nhóm saponin Protopanaxadiol, Protopanaxatriol và Ocotillol của sâm Ngọc Linh như G-Rg1, G-Rb1 đặc biệt là MR2.
Rễ tóc cây sâm thuộc giống sâm Ngọc Linh do Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM tạo ra. Ảnh do Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM cung cấp
Các nhà khoa học đã chọn một số dòng rễ tóc sinh trưởng nhanh, có lượng saponin cao để nhân sinh khối trên hệ thống thiết bị bioreactor với hệ số nhân nhanh 20 lần sau 2-3 tháng nuôi cấy. Từ nghiên cứu này, TS Xô cho biết trung tâm đã ký biên bản ghi nhớ với công ty sản xuất dược liệu về việc hợp tác sản xuất các sản phẩm từ rễ tóc sâm Panax vietnamensis Ha et Grushv như rượu, trà, nước giải khát...
GS-TS Nguyễn Minh Đức - Đại học Y - Dược TPHCM - nhận định, thành công của nghiên cứu trên có giá trị rất lớn, làm tăng cơ hội sử dụng sâm quý Việt Nam cho người tiêu dùng.
Nhiều nghiên cứu ứng dụng cao
TS Dương Hoa Xô cho biết, với trọng tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất, hơn 12 năm kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Công nghệ sinh học đã thực hiện 3 đề tài cấp nhà nước, hơn 16 đề tài cấp tỉnh, thành phố và hơn 80 đề tài cấp cơ sở thuộc nhiều lĩnh vực như thực vật, động vật, vi sinh… Trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật, hàng trăm giống dược liệu quý, hoa lan, cây cảnh đã được bảo tồn gene và nhân giống thành công.
Với cây hoa lan, các nhà khoa học đã sưu tập, nhập nội, khảo nghiệm và nhân được 350 giống các loại, phục vụ công tác bảo quản nguồn gene và lai tạo giống; trong đó có 136 giống lan rừng quý của Việt Nam.
Rễ tóc sâm Panax vietnamensis Ha et Grushv được nhân sinh khối trên hệ thống bioreactor. Ảnh do Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM cung cấp
“Ngay từ năm 2014, khi khu nhà kính, nhà lưới nuôi cấy mô tế bào thực vật của trung tâm đi vào hoạt động, công suất nhân giống của chúng tôi đã đạt gần 400.000 cây. Trong việc lai tạo hoa lan, hiện có 34 tổ hợp lai thành công được nhân giống trong phòng thí nghiệm; 30 tổ hợp lai có cây ra ngoài vườn ươm, 19 tổ hợp đã ra hoa. Chúng tôi đang tiến hành đánh giá đặc tính nông sinh học 48 cây đầu dòng của 5 tổ hợp lai để tuyển chọn các dòng lan ưu tú, tiến đến công nhận giống sản xuất tại thành phố” - TS Dương Hoa Xô nói.
Giám đốc trung tâm cũng cho biết, các nhà khoa học ở đây luôn xác định bám sát thực tế và nhu cầu sản xuất để đưa ra những đề tài nghiên cứu phù hợp. Khi đề tài chuẩn bị đi vào giai đoạn cuối, trung tâm chủ động tìm đối tác doanh nghiệp để trao đổi, lấy ý kiến hoàn thiện quy trình sản xuất ra sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ, phát triển sản phẩm, mà việc kết nối với công ty dược liệu sau thành công của nghiên cứu về rễ sâm quý kể trên là một ví dụ.
Với lĩnh vực thủy sản, trung tâm đã hợp tác với Công ty cổ phần thủy sản Bến Tre (Aquatex BenTre) trong việc chuyển giao quy trình sản xuất cá tra giống sạch bệnh và ứng dụng thử nghiệm vắccxin ngừa bệnh gan thận mủ trên cá tra vào quy trình ươm nuôi cá.
Một số thành tựu nổi bật của Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM
Công nghệ vi sinh - môi trường: Nghiên cứu và chuyển giao sản xuất thành công chế phẩm sinh học BIMA (chứa nấm trichoderma) phục vụ phòng trị bệnh cây trồng, ủ phân chuồng; xây dựng thành công quy trình thủy phân trùn quế để phục vụ sản xuất phân bón lá hữu cơ sinh học bio-trùn quế; sản xuất các nhóm chế phẩm vi sinh phục vụ trồng trọt…
Công nghệ sinh học thủy sản: Nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất các bộ kit PCR phát hiện 4 loại bệnh virus trên tôm: Đốm trắng, hoại tử vỏ, còi, viêm gan tụy; tạo chủng vi khuẩn Edwardsiella ictaluri nhược độc để sản xuất vắcxin ngừa bệnh gan thận mủ trên cá tra (đã được cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2015).
Công nghệ sinh học động vật - y dược: Xây dựng thành công quy trình tạo phôi bò in vitro, sinh thiết phôi và xác định giới tính phôi, giúp chủ động chọn giới tính phôi bò, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi; nghiên cứu thành công chế phẩm interferon tái tổ hợp ứng dụng trong phòng và điều trị bệnh do virus ở gia cầm như bệnh Newscatle, Gumboro và cúm A H5N1với hiệu quả bảo vệ khoảng 80%... |