Khám phá mới từ hóa thạch ở Trung Quốc thách thức quan điểm coi động vật có vú sơ khai chỉ làm mồi cho khủng long.
Khủng long được biết đến là loài có hàm răng và móng vuốt sắc nhọn và có kích thước lớn. Nhưng một hóa thạch mới được xác định cho thấy rằng trong một số trường hợp, khủng long cũng là con mồi.
Một hóa thạch 125 triệu năm tuổi cho thấy một con khủng long và một động vật có vú quấn lấy nhau, răng của động vật có vú cắm sâu vào xương sườn của khủng long mỏ khoằm. Các nhà nghiên cứu cho biết hóa thạch này thách thức quan điểm lâu nay cho rằng động vật có vú sơ khai chỉ làm mồi cho khủng long.
Jordan Mallon đến từ Bảo tàng Tự nhiên Canada, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Hóa thạch mới này cho chúng ta thấy rằng ngay vào 'thời đại của khủng long' thuộc Đại Trung sinh, khủng long không phải lúc nào cũng là vua. Cả những động vật có vú nhỏ hơn cũng có thể là mối đe dọa. Đây là dấu hiệu từ 66 triệu năm trước báo trước sự vươn lên thống trị của động vật có vú."
Hóa thạch được phát hiện ở Liêu Ninh, Trung Quốc, vào năm 2012. Nhóm Mallon mới đây xác định động vật có vú trong hoá thạch là Repenomamus robustus - một sinh vật cổ đại có kích thước bằng một con mèo. Nạn nhân của nó là Psittacosaurus lujiatunensis - một loài khủng long mỏ khoằm ăn thực vật, đi bằng hai chân và là họ hàng xa của khủng long ba sừng sau này, có kích thước tương đương một con gà trống.
Nghiên cứu công bố trên Scientific Reports cho biết cả hai sinh vật đều chưa trưởng thành hoàn toàn vào thời điểm chúng chết; đồng thời cho biết thêm rằng chúng đã chết cùng lúc trong một thảm họa tự nhiên, khi động vật có vú cố đang cố gắng giết khủng long.
Tái hiện cảnh khủng long bị động vật có vú tấn công. Nguồn ảnh: Michael Skrepnick
"Không có vết cắn trên bộ xương khủng long, vị trí nằm và hành động túm và cắn của động vật có vú là các dấu hiệu cho thấy nó đang săn con khủng long yếu ớt khi cả 2 đột nhiên bị núi lửa chôn vùi", theo các nhà nghiên cứu. Họ cũng cho biết các loài động vật có vú, bao gồm cả chó sói, đôi khi săn những sinh vật lớn hơn chúng.
Giáo sư Steve Brusatte - nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh, người không tham gia vào nghiên cứu mới - cho biết ông đã rất kinh ngạc trước hóa thạch này. "Bảo tồn một khúc xương trong 125 triệu năm đã là khó, bảo tồn bộ xương khủng long còn khó hơn, và bảo tồn được 2 con vật trong một trận chiến đúng là điều kỳ diệu", Brusatte nói.
"Chúng ta thường nghĩ thời đại khủng long có nghĩa là khủng long thống trị thế giới và các loài động vật có vú nhỏ bé thu mình trong bóng tối. Nhưng đây là bằng chứng cho thấy một động vật có vú ăn thịt một con khủng long", ông nói.
Tuy nhiên Brusatte cho biết vẫn còn một số băn khoăn chính đáng về tính toàn vẹn của hóa thạch, hay nói cách khác là băn khoăn về hoá thạch giả mạo. "Các bộ xương là thật, nhưng tôi cho rằng tư thế của các bộ xương có thể đã bị thay đổi, mặc dù tôi không có bằng chứng trực tiếp nào về điều này", ông nói. "Khi có thêm nhiều nhà khoa học nghiên cứu hóa thạch này, tôi hy vọng nghi ngờ này có thể được hóa giải".
Nguồn: