Hà Lan từng trải qua một nạn đói kinh hoàng, khiến người dân phải sống dựa vào món súp củ hoa tulip để tồn tại.

g
Trẻ em Hà Lan ăn cơm từ thiện trong nạn đói lớn ở Hà Lan từ năm 1944 đến 1945. Ảnh: Menno Huizinga/Wikimedia

Sau khi được giải phóng khỏi Đức quốc xã vào cuối năm 1944, Hà Lan phải đối diện với nhiều vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết. Các con sông bị đóng băng khiến hoạt động giao thông đường thuỷ bị ngưng trệ, người dân gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn thực phẩm.

Tình hình nguy cấp này đã dẫn đến một nạn đói khủng khiếp, đặc biệt là ở các khu đô thị phía tây của đất nước. Từ tháng 5/1944 đến tháng 2/1945, lượng calo người dân tiêu thụ mỗi ngày giảm từ 1.800 xuống còn 500 kilocalories.

Các nhà khoa học ước tính rằng từ mùa thu năm 1944 cho đến tháng 5/1945, khoảng 20.000 đến 25.000 người Hà Lan đã chết vì suy dinh dưỡng. Điều này cũng ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh dưới một tuổi - những đứa trẻ này phải gánh chịu hậu quả lâu dài đối với sức khỏe. .

Một nữ diễn viên ba lê tập sự 16 tuổi, cao 1,7 m và nặng 40,8 kg, về sau kể lại rằng cô bị hen suyễn, vàng da, thiếu máu và các bệnh khác do suy dinh dưỡng, chẳng hạn như phù nề.

Cô và gia đình đã sống sót - nhờ ăn hoa tulip.

Súp củ hoa tulip

Chính phủ Hà Lan nỗ lực lao vào tìm kiếm loại thực phẩm giàu năng lượng và chất dinh dưỡng, đặc biệt là có số lượng lớn, dễ tiếp cận. “Họ phát hiện ra rằng củ hoa tulip có rất nhiều calo, điều vô cùng quan trọng đối với sự sống còn. Một củ hoa tulip thực tế có nhiều calo hơn một củ khoai tây,” Manon Henzen, nhà sử học về ẩm thực, nói. “Cái khó của chính phủ Hà Lan, đó là phải tìm cách thuyết phục được người dân ăn củ hoa tulip, vì vậy họ đã phát tờ rơi và trình diễn nấu ăn. Chính phủ thậm chí còn cử những đại sứ đặc biệt ra đường phố để thuyết phục mọi người rằng họ khỏe mạnh như thế nào nhờ ăn củ hoa tulip.”

Trong giai đoạn chiến tranh, người dân không còn trồng hoa tulip nữa, nhưng một lượng lớn củ chưa được trồng vẫn còn. Do đó, các nhà chức trách đã bán số củ này trong các cửa hàng tạp hóa và đăng công thức nấu ăn trên các tờ báo địa phương.

Công thức hướng dẫn nấu súp hoá tulip được viết như sau: “Thêm nước vào nồi, cắt đôi củ và loại bỏ mầm ở lõi củ. Tiếp theo, nạo củ bằng dụng cụ bào và tốt nhất là nên nhanh chóng cho vào nồi trước khi phần củ đã gọt đổi màu. Mặc dù củ tulip rất giàu tinh bột nhưng chúng sẽ không làm súp đặc lại như bột mì. Bột tulip nổi trong súp như tuyết. Nếu bạn có sẵn bột cà ri ở nhà, hãy thêm một nhúm, sau đó thêm một ít dầu hoặc một lượng nhỏ mỡ. Và đừng quên muối!”.

fg
Súp củ hoa tulip. Nguồn: Atlasobscura

Tuy nhiên, hoa tulip có một vấn đề. Củ của chúng chứa rất nhiều chất gây dị ứng: hợp chất có tên là tulipalin A, chủ yếu được tìm thấy ở lớp ngoài của củ, nhưng cũng có ở thân, lá và cánh hoa.

Các chuyên gia đã phát hiện trường hợp ngộ độc ở những con bò ăn cỏ khô và củ hoa tulip, đồng thời hợp chất này cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm da “ngón tay hoa tulip”, ảnh hưởng đến những người trồng trọt: phần da nằm xung quanh móng tay, đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ của họ phát ban đỏ. Chỉ có thể ngăn ngừa bằng cách hạn chế tiếp xúc với củ tulip và sử dụng găng tay cao su nitrile (găng tay vinyl không có tác dụng).

Bên cạnh đó, không phải tất cả các loại củ tulip đều ăn được, có những loại có vị đắng. Thêm nữa, ăn củ tulip còn sượng, chưa chín, có thể bị buồn nôn, đau bụng và các vấn đề tiêu hóa khác.

Christianne Musers, nhà sử học ẩm thực người Hà Lan, kể rằng cha của anh lúc bấy giờ hầu như không ăn gì ngoài củ hoa tulip. Mặc dù các bộ phận của cây hoa tulip an toàn nếu được chế biến đúng cách, nhưng mầm ở lõi của củ có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về đường ruột. Ban đầu cả nhà không ai có kinh nghiệm nấu ăn với loại củ này nên họ không nhận ra rằng cần phải loại bỏ mầm củ. “Nó gây tắc nghẽn ruột nghiêm trọng, khiến bụng cha tôi to và sưng lên.” Sau nhiều ngày khó chịu vì đầy hơi, cha anh mới cảm thấy khá hơn. “Trong khoảng thời gian đen tối đó, đây là những ký ức hiếm hoi mà khi kể lại có thể khiến chúng ta bật cười", Musers chia sẻ.

Trong ẩm thực hiện đại

Ngày nay, củ tulip được sấy khô, nghiền thành bột để thêm vào ngũ cốc hoặc chế biến để thu lấy bột làm bánh mì.

Hoa tulip cũng ăn được. Nhiều nhà hàng dùng cả bông hoa tulip để trang trí món ăn, hoặc cắt nhỏ cánh hoa và trộn vào món salad, mặc dù chúng không có nhiều hương vị. Nhiều nơi thậm chí còn trang trí những cánh hoa rắc đường trên bánh hoặc ăn chúng với xi-rô.

Nền ẩm thực hiện đại đang dần phục hồi văn hoá ăn các bộ phận của hoa tulip. Margaret Roberts, một chuyên gia về dinh dưỡng thực vật, đã tập hợp các công thức nấu ăn như xi-rô hoa tulip, hoa tulip nhồi thịt gà sốt mayonnaise và salad gồm ba loại đậu với hoa tulip.

Johanna Huiberts-van den Berg, một người quan tâm đến ẩm thực, đã thu thập khoảng 30 công thức nấu ăn liên quan đến tulip. Và Alain Caron, đầu bếp người Pháp sống ở Hà Lan trong 40 năm qua, hiện đang điều hành một số nhà hàng ở Amsterdam, đã sáng tạo ra các món ăn như thì là với củ tulip; hàu với củ tulip.

Giờ đây, đối với thế hệ đã trải qua những ngày tháng đói kém sau chiến tranh, củ tulip trở thành một phần mà họ không bao giờ quên. Hãy cùng quay trở lại với cô gái trẻ từng phải ăn củ hoa tulip để sinh tồn. Nhiều năm sau nạn đói, cô trở thành một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất của thế kỷ 20; và vào cuối tháng 4/1990, cô được ngành công nghiệp tulip Hà Lan vinh danh bằng cách đặt tên cô cho một loại hoa tulip có màu trắng muốt đặc biệt: hoa tulip Audrey Hepburn.

Nguồn: