Nhãn lồng Hưng Yên có những dấu hiệu nhận biết khá đặc trưng. Nhờ đó, mọi người có thể dễ dàng phân biệt loại nhãn này với những giống nhãn đến từ những vùng khác.

Dấu hiệu nhận biết nhãn lồng Hưng Yên

Quả nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Vietnamnet.
Quả nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Vietnamnet.

Nhãn lồng Hưng Yên có đặc điểm hình thái nổi bật và dễ nhận biết. Quả nhãn tròn, vỏ quả màu nâu sẫm, đường kính quả từ 25,61 đến 29,36 mm, chiều cao quả từ 23,98 đến 27,61 mm, trọng lượng quả từ 9,35 đến 13,28 g/quả.

Hàm lượng vitamin C từ 45,12 đến 59,32 mg/100g, axit hữu cơ tổng số từ 0,04 - 0,17 %, đường tổng số 13,89 đến 17,37%, hàm lượng chất rắn hòa tan từ 17,63 đến 20,88 độ Brix, hàm lượng nước từ 18,38 - 22,09. Hương vị nhãn lồng Hưng Yên rất đặc trưng, mùi thơm tinh khiết và dịu mát, cùi quả dày, ráo nước, màu trắng trong, giòn, vị ngọt đậm.

Điều kiện sinh sống của nhãn lồng Hưng Yên

Cây nhãn lồng đại thụ. Ảnh: Lamchame.
Cây nhãn lồng đại thụ. Ảnh: Lamchame.

Nhãn lồng Hưng Yên có được danh tiếng và đặc thù như vậy là nhờ khu vực địa lý rất thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây nhãn lồng và kinh nghiệm tích lũy được của người dân.

Khu vực trồng nhãn lồng Hưng Yên có địa hình bằng phẳng, dọc theo sông Hồng và sông Luộc nên đất đai màu mỡ, địa hình không đồng đều, hướng dốc từ tây bắc xuống đông nam, xen kẽ là những ô đất trũng thường xuyên bị ngập nước tạo thành các dải, các khu, vùng cao thấp xen kẽ nhau như làn sóng.

Đất được trồng nhãn lồng là đất phù sa điển hình chua, đất phù sa điển hình ít chua, đất phù sa điển hình cơ giới nhẹ. Thành phần cơ giới của đất là từ cát pha thịt đến thịt nhẹ pha cát. Đất có phản ứng trung tính, pHKCL trong khoảng 6,8 đến 7,7.

Hàm lượng cacbon hữu cơ và đạm tổng số trung bình. Lân tổng số và lân dễ tiêu trung bình đến rất giàu. Tổng lượng mưa bình quân hàng năm 1.300 - 1.700 mm, là khu vực có lượng mưa cao. Nhiệt độ trung bình năm khoảng từ 20 - 24oC. Độ ẩm trung bình năm từ 80 - 85%. Tổng lượng bốc hơi trung bình năm là 1.000 - 1.100 mm.