Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc bị bao phủ bởi lớp bụi nâu dày do gió lớn từ sa mạc Gobi và các khu vực phía tây bắc Trung Quốc mang đến, tạo thành cơn bão cát lớn nhất trong hơn 10 năm qua.

Các tòa nhà chọc trời tại Bắc Kinh biến mất khỏi tầm nhìn và chỉ số chất lượng không khí xấu đi do bão cát | Nguồn: ABC News, tháng 3/2021

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc vừa công bố báo động vàng vào sáng nay, 15/3, cho biết bão cát đã tràn từ Nội Mông vào các tỉnh Cam Túc, Sơn Tây, Hà Bắc, và bao phủ Bắc Kinh.

Người ta hầu như không thấy được đỉnh của nhiều tòa tháp ở trung tâm thành phố. Giao thông tắc nghẽn và hơn 400 chuyến bay từ hai sân bay chính của Bắc Kinh đã bị hủy trước buổi trưa (giờ địa phương). Con số này nhiều hơn bình thường trong mùa bão cát, theo nhà cung cấp dữ liệu hàng không Variflight.

"Nhìn như là ngày tận thế vậy", Flora Zou, 25 tuổi, cư dân Bắc Kinh, làm việc trong lĩnh vực thời trang, nhận xét. "Trong loại thời tiết này, tôi thực sự, thực sự không muốn ở bên ngoài."

Trên website của mình, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc nhận định, "đây là thời tiết bão cát dữ dội nhất mà quốc gia từng chứng kiến trong 10 năm trở lại, và bao phủ khu vực rộng lớn nhất."

Theo trung tâm giám sát ô nhiễm của thành phố, chỉ số chất lượng không khí (AQI) chính thức của Bắc Kinh đạt mức tối đa 500 vào sáng nay, với các hạt trôi nổi PM10 tăng vượt quá 8.000µg/m³ ở một số quận, theo trung tâm giám sát ô nhiễm của thành phố. Chỉ số PM2.5, tức các hạt nhỏ hơn có khả năng xâm nhập vào phổi, cũng trên 300µg/m³, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn 35µg/m³ của Trung Quốc.

Các cơn bão cát dự kiến sẽ di chuyển về phía nam theo hướng đồng bằng sông Dương Tử và sẽ tan vào thứ Tư hoặc thứ Năm tuần này, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết.

Bắc Kinh thường xuyên phải đối mặt với những trận bão cát vào tháng 3 và tháng 4 do nằm gần sa mạc Gobi rộng lớn, cũng như nạn phá rừng và xói mòn đất diễn ra trên khắp miền bắc Trung Quốc.

Bắc Kinh đang cố gắng trồng lại rừng và phục hồi hệ sinh thái của khu vực để hạn chế lượng cát tràn vào thủ đô, đồng thời cũng cố gắng tạo ra các hành lang không khí dẫn gió để cát và các chất ô nhiễm khác đi qua nhanh hơn.

Điều này đã làm giảm cường độ các cơn bão. Năm ngoái, Bộ Sinh thái và Môi trường của nước này cho biết, những cơn bão sớm trong năm đã đến muộn hơn và không kéo dài như cách đây một thập kỷ.

Tuy nhiên, việc mở rộng các thành phố và ngành công nghiệp trong một thời gian dài đã không ngừng gây áp lực lên môi trường trên khắp đất nước. Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa để giảm sự phụ thuộc vào than đá, khiến nước này trở thành nơi phát thải khí biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới.

Nguồn: