Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio (Mỹ) lần đầu tiên phát hiện các phân tử nước (H2O) trên bề mặt của hai tiểu hành tinh Iris và Massalia trong hệ Mặt trời thông qua dữ liệu quang phổ thu thập từ Đài quan sát thiên văn hồng ngoại tầng bình lưu (SOFIA) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí The Planetary Science Journal vào tháng 2/2024.
“Mật độ phân tử nước trên bề mặt của các tiểu hành tinh tương đương với khoảng 350ml nước trong một mét khối đất”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Hai tiểu hành tinh Iris và Massalia có đường kính lần lượt là 199km và 84km. Chúng bay theo quỹ đạo quanh Mặt trời, trong vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Trước đây các nhà khoa học tin rằng bất kỳ lượng nước nào tồn tại trên bề mặt các tiểu hành tinh đều bị bốc hơi do sức nóng của Mặt trời.Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy nhận định này là không chính xác. Nó cũng cung cấp góc nhìn mới về sự phân bố của nước trong Thái Dương Hệ.
Nguồn: Sciencealert.com
Bài đăng số 1280 (số 8/2024) KH&PT
Quốc Hùng và nhóm tác giả thực hiện