Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã triển khai kỹ thuật phẫu thuật cho các trường hợp nữ trẻ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm và bảo tồn được chức năng sinh sản.

Ung thư cổ tử cung là bệnh thường gặp và có tỷ lệ tử vong tương đối cao trong tất cả các loại ung thư ở nữ giới, đứng thứ ba sau ung thư vú và ung thư buồng trứng. Đây là căn bệnh mà những tế bào ung thư ác tính xuất hiện trong mô cổ tử cung (bộ phận nối tử cung và âm đạo của phụ nữ). Nó thường gây ra bởi HPV hoặc virus papillomavirus, virus này có thể lây truyền qua đường tình dục. Nhiễm HPV có thể dẫn tới ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh có xu hướng hình thành ở tuổi trung niên, với 50% bệnh nhân được chẩn đoán thuộc độ tuổi 35-55 và ít khi ảnh hưởng đến phụ nữ ở độ tuổi dưới 20. Tuy nhiên, hiện nay bệnh nhân mắc bệnh ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa. Không ít những trường hợp dưới 30 tuổi mắc bệnh ung thư cổ tử cung, trong khi thời gian trước đó rất hiếm gặp những bệnh nhân ở độ tuổi này.

Một số lượng đáng kể bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung khi còn trong độ tuổi sinh sản và chưa một lần sinh nở. Việc điều trị bệnh này có thể đòi hỏi phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung, sử dụng thuốc hóa trị hay xạ trị, dẫn đến mất khả năng sinh sản. Do đó, việc xem xét điều trị bảo tồn chức năng sinh sản là một vấn đề quan trọng.

Trong những năm gần đây, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã triển khai kỹ thuật phẫu thuật cho các trường hợp nữ trẻ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm và bảo tồn được chức năng sinh sản. Đến nay, bệnh viện đã có 14 phụ nữ trẻ được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm được phẫu thuật bảo tồn chức năng sinh sản.

Phương
Phương pháp phẫu thuật mới mang hy vọng làm mẹ cho người bệnh. Ảnh: Internet

BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết không phải trường hợp ung thư cổ tử cung nào cũng có thể điều trị theo phương pháp này mà có một số chỉ định nghiêm ngặt.

Cụ thể, bệnh nhân phải được phát hiện bệnh từ rất sớm, từ giai đoạn 1 B1 khi kích thước của bướu còn nhỏ dưới 2cm; giai đoạn 1 B2 bướu có kích thước từ 2-4cm cũng không thể thực hiện được theo phương pháp này. Ngoài ra, bác sĩ phải xem người bệnh có đảm bảo được mức độ an toàn trong điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật phải đảm bảo không xâm lấn vào trong cổ tử cung, âm đạo, mạch máu, bệnh nhân không di căn hạch...

Điều trị theo phương pháp mới này khó hơn nhiều so với phẫu thuật cắt tận gốc hết tử cung. Các bác sĩ chỉ cắt phần cổ tử cung, để lại phần thân tử cung sau đó nối vào âm đạo, để tạo hình cho tinh trùng có đường vào tử cung và vẫn phải bảo tồn động mạch để nuôi tử cung.

Dù còn khả năng sinh sản, nhưng những bệnh nhân này sẽ có khả năng sinh sản thấp hơn, chỉ còn khoảng 50 - 60% khả năng thụ thai so với những người phụ nữ bình thường, thậm chí có thể sẩy thai liên tục, không có phôi thai... Trong 15 ca được điều trị theo phương pháp này đến nay tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, có một trường hợp đã sinh con.

Công trình “Phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung” của Bệnh viên Ung Bướu TPHCM vừa nhận được giải “Thành tựu y khoa Việt Nam năm 2023”, vào cuối tháng 2/2024.

Giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam” được trao cho những công trình mang giá trị lan tỏa vì sức khỏe cộng đồng, tính nhân văn, sáng tạo khoa học, khác biệt độc đáo… theo từng lĩnh vực đóng góp cho ngành y Việt Nam. Giải do Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM phối hợp Sở Y tế TPHCM tổ chức bình chọn từ năm 2020.