Những yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu và béo phì... gây ra hơn 44% số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới - theo nghiên cứu lớn nhất về mối liên hệ giữa gánh nặng ung thư và các yếu tố nguy cơ, công bố trên tạp chí The Lancet vào ngày 20/8.

Nghiên cứu này một lần nữa nhấn mạnh rằng giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có thể giúp ngăn ngừa một số lượng lớn ca bệnh ung thư, theo nhà dịch tễ học ung thư Rudolf Kaaks tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức ở Heidelberg. "Thông điệp rất đơn giản: đừng hút thuốc, đừng để quá cân và đừng uống quá nhiều rượu," Kaaks nói.

Rất khó xác định số ca ung thư và tử vong do ung thư trên toàn cầu bởi một số quốc gia không ghi lại dữ liệu này, đồng tác giả nghiên cứu mới, nhà dịch tễ học Justin Lang tại Cơ quan Y tế Công cộng Canada, cho biết. Do đó, nhóm của Lang sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu về tử vong và tàn tật do hơn 350 loại bệnh và thương tích ở 204 quốc gia để ước tính tác động của 34 yếu tố nguy cơ gây bệnh và tử vong ở 23 loại ung thư.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu chỉ ra, các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa gây ra gần 4,5 triệu ca tử vong do ung thư (tương đương hơn 44%) trên toàn cầu vào năm 2019. Các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa gồm sử dụng thuốc lá và rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, quan hệ tình dục không an toàn và nơi làm việc tiếp xúc với các sản phẩm độc hại, chẳng hạn như amiăng. Một nửa số ca tử vong do ung thư ở nam giới và hơn một phần ba ở nữ giới là do các yếu tố có thể phòng tránh này.

Trên toàn cầu, từ năm 2010 đến 2019, số ca ung thư tử vong do các yếu tố nguy cơ đã tăng khoảng 20%. Trong đó, thừa cân đóng góp mức tăng lớn nhất, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Ảnh minh họa

“Kết hợp những kết quả này với kiến ​​thức địa phương có thể giúp các nhà hoạch định chính sách xác định các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa, phục vụ nỗ lực kiểm soát ung thư," nhóm nghiên cứu cho biết. Chẳng hạn, ung thư cổ tử cung, do một số chủng HPV lây truyền qua đường tình dục gây ra, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do ung thư ở phụ nữ ở châu Phi cận Sahara. Theo Kaaks, có thể hạn chế phần lớn số ca mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung ở khu vực này bằng cách tiêm phòng HPV kịp thời.

Nghiên cứu không bao gồm một số yếu tố nguy cơ gây ung thư đã biết khác, bao gồm tiếp xúc với bức xạ tia cực tím và một số bệnh nhiễm trùng, nhưng sẽ được cập nhật trong các phân tích trong tương lai.

Nghiên cứu cũng không đề cập đến đại dịch COVID-19 như một yếu tố nguy cơ làm tăng các trường hợp ung thư và tử vong do ung thư. Một nghiên cứu năm 2020 ước tính, vào năm 2025, chậm chẩn đoán ung thư ở Anh do gián đoạn bởi COVID-19 sẽ gây ra hơn 3.000 ca tử vong do ung thư. Đây được coi là các ca tử vong ung thư có thể tránh khỏi nếu được chẩn đoán kịp thời. Tác động của đại dịch lên gánh nặng ung thư trong tương lai có thể sẽ mất nhiều năm để tìm hiểu toàn diện, theo các nhà nghiên cứu.

Nguồn: