Theo GS Morten Peter Meldal, Nobel Hóa học năm 2022, hóa học có ở xung quanh chúng ta và trẻ em nên được tiếp xúc sớm với các chương trình đào giảng dạy hóa học khác nhau, đặc biệt là trực quan hóa.

GS Morten Peter Meldal chia sẻ về ứng dụng hóa học click trong bài giảng đại chúng tại Việt Nam. Ảnh: USTH
GS Morten Peter Meldal chia sẻ về hóa học click trong bài giảng đại chúng tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội ngày 20/4/2023. Ảnh: USTH

Trước chuyến đi giảng bàiTPHCM và Hà Nội mới đây, GS. Meldal đã tìm hiểu và biết rằng, ở Việt Nam, môn hóa học thường bắt đầu được giảng dạy trong nhà trường từ lớp 7-8.

Theo quan điểm của ông, hóa học là nền tảng của nhiều ngành khoa học khác. “Tôi là hóa học, các bạn là hóa học, tất cả xung quanh chúng ta đều là hóa học. Chúng ta cần hóa học để giải quyết rất nhiều thách thức trước mắt – ví dụ như tìm cách lưu trữ năng lượng hiệu quả, hoặc tạo ra các hóa chất thân thiện với môi trường hơn,” ông nói trong buổi giảng bài ngày 20/4 ở Trường ĐH Khoa học và Công nghệ. Do vậy, theo ông, việc đào tạo và nuôi dưỡng tình yêu hóa học từ tấm bé là rất quan trọng để các học sinh có động lực tham gia vào nhiều ngành tự nhiên sau này.

GS. Meldal nhận xét việc dạy và học hóa học ở lớp 7-8 (khoảng 12-14 tuổi) là hơi muộn. Ông cho rằng cần bắt đầu sớm hơn, tại thời điểm mà trẻ em vẫn đang tò mò hiếu động, thích thú quan sát các hiện tượng xung quanh và dễ dàng ghi nhớ.

GS. Meldal thú thật không riêng gì Việt Nam, Đan Mạch cũng gặp vấn đề khó khăn tương tự trong việc truyền đạt kiến thức và khơi gợi niềm đam mê hóa học cho người trẻ. Chính vì thế, ông cùng các đồng nghiệp của mình đang thực hiện một dự án lớn mang tên Animation Studio,giúp trẻ em tiếp cận hóa học “bằng hình ảnh trực quan thay vì văn bản”.

Ông gợi ý: “Chúng ta có thể tạo ra hình ảnh trực quan về cách các electron, hạt nhân và phân tử hoạt động. Thậm chí có thể cho trẻ trải nghiệm bằng cách sử dụng VR để đi sâu vào bên trong phân tử. Hãy bắt đầu với nguyên tử hydro – chúng ta sẽ cho các em di chuyển vào đám mây electron, trông thấy thấy hạt nhân của hydro, xem chúng kết hợp với nhau như thế nào để tạo thành phân tử hydro, và làm thế nào phân tử hydro có thể phản ứng với phân tử oxy để tạo ra nước.”

“Trẻ nên học được thật tốt cách hình dung (visualization) các chất trước khi biết đến cách định lượng (quantification). Trẻ có khả năng lưu giữ hình ảnh, dù là mơ hồ, và cách học của các em cũng khác với cách học của người lớn.”

“Trong 4-5 năm đầu, chỉ cần chỉ cho các em thấy thế giới hóa học vận hành như thế nào và không cần phải động đến các công thức hóa học.”

Nói cách khác, nên cho trẻ tiếp xúc với hóa học từ rất sớm bằng ngôn ngữ hình ảnh. Có thể tận dụng mọi công cụ công nghệ để hỗ trợ quá trình này, bao gồm cả video, exp, VR và các công cụ trực quan hóa khác.

Một nghiên cứu xuất bản năm 2019 trên tạp chí Chemistry Teacher International của Đức chỉ ra rằng, từ 8-10 tuổi, trẻ đã hình thành các đặc điểm bậc thấp của tư duy khoa học (ví dụ: kiểm soát các biến, đưa ra suy luận nhân quả…) và thầy cô có thể thành công trong việc giới thiệu các khái niệm hóa học và thực hành hóa tương đối phức tạp với các em.

Ở Việt Nam, với chương trình giáo dục phổ thông 2006, môn hóa học bắt đầu được đưa vào giảng dạy từ lớp 8 và dạy liên tục đến lớp 12 như một môn học độc lập. Tuy nhiên, với chương trình mới 2018, môn hóa học ở cấp trung học cơ sở đã trở thành một phân môn trong môn Khoa học tự nhiên và được bố trí giảng dạy từ lớp 6 (bắt đầu từ năm học 2021-2022).

Mặc dù vậy, vẫn còn một số băn khoăn của xã hội và các nhà giáo dục về việc "dạy gì" (nội dung) và "dạy như thế nào" (tổ chức sinh hoạt) để môn hóa thực sự có tác động với học sinh lớp 6.