Mặc dù áo chống đạn bằng lụa của linh mục Casimir Zeglen không thành công về mặt thương mại, nhưng ý tưởng của ông đã đặt nền móng cho sự ra đời của các loại áo chống đạn hiện đại sau này được làm từ sợi tổng hợp với khả năng bảo vệ ngày càng tốt hơn.
Vào ngày 28/10/1893, sự yên bình của thành phố Chicago bị phá vỡ sau vụ ám sát Thị trưởng Carter Harrison, người bị bắn ngay trước cửa nhà mình. Vụ án này gây sốc cho toàn bộ người dân Mỹ trong đó bao gồm Casimir Zeglen, một người nhập cư đến từ Ba Lan.
Zeglen là một linh mục với đời sống tâm linh sâu sắc. Ông cảm thấy vô cùng lo lắng trước bạo lực của những kẻ vô chính phủ nhắm vào các nhân vật của công chúng kể từ khi ông đến Mỹ. Quyết tâm đương đầu với tình trạng hỗn loạn và đổ máu này, ông đã hướng trí óc sáng tạo của mình vào một giải pháp có khả năng cứu sống vô số người. Ý tưởng của ông là tạo ra một loại áo chống đạn nhẹ, có thể mặc kín đáo bên dưới trang phục bình thường, từ đó ngăn chặn âm mưu của những kẻ ám sát.
Zeglen sinh ra tại Galicia vào năm 1869, vùng đất khi đó là một phần của Ba Lan bị Đế quốc Áo-Hung chiếm đóng. Năm 18 tuổi, ông theo đuổi đời sống tu hành trong tu viện Thiên Chúa giáo. Năm 1890, ông chuyển đến sống tại Mỹ, nơi tài năng sáng tạo phi thường của ông đã để lại dấu ấn không thể phai mờ.
Vụ ám sát bi thảm ở Chicago vào năm 1893 đã thôi thúc Zeglen bắt đầu hành động. Trong hai năm tiếp theo, ông đã thử nghiệm nhiều loại vật liệu khác nhau để làm áo chống đạn bao gồm các loại sợi cứng, bùi nhùi thép, len và bông. Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu của ông chỉ mang lại sự thất vọng, bởi vì sản phẩm mà ông tạo ra giống như tấm giáp che ngực thời Trung cổ, thay vì một loại áo nhẹ, có thể mặc được như ông hình dung.
Mãi đến năm 1895, ý tưởng của Zeglen mới trở thành hiện thực khi ông tình cờ phát hiện ra đặc tính chống đạn đáng chú ý của lụa. Khám phá này không hoàn toàn mới, khi nó được tiến sĩ George E. Goodfellow ở Tombstone, bang Arizona (Mỹ) quan sát lần đầu tiên vào năm 1881. Trong một lần khám nghiệm tử thi, Goodfellow nhận thấy một chiếc khăn tay lụa trong túi của nạn nhân đã làm giảm đáng kể tác động của một viên đạn.
Zeglen hiểu rằng chìa khóa để tạo ra một loại vải chống đạn nằm ở phương pháp dệt phù hợp và độ dày của vải. Ông quyết định tìm tòi và học hỏi các kỹ thuật dệt mới bằng cách đến thăm thành phố Vienna (Áo) và Aachen (Đức), nơi có nhiều thợ dệt lành nghề. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của họ, ông đã trau dồi kỹ năng và tìm ra cách dệt các sợi tơ bằng tay để chế tạo một loại vải vừa mềm mại vừa không thể xuyên thủng. Năm 1896, ông nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại Mỹ cho sản phẩm độc đáo của mình. Chưa đầy một năm sau, những nỗ lực của ông đã được đền đáp với hai bằng sáng chế cho các biến thể riêng biệt của bộ áo chống đạn.
Trong cuốn sách “May đo theo thời đại: Câu chuyện về áo chống đạn bằng lụa của Casimir Zeglen”, tác giả Sławomir Łotysz giải thích cách thiết kế áo chống đạn của vị linh mục như sau:
“Để làm lớp phủ phía bên ngoài, Zeglen sử dụng một tấm vải lanh với các sợi dệt khít vào nhau, phía bên dưới ông cho thêm len Angora. Tiếp theo là lớp lụa chính. Nó không được dệt mà bao gồm nhiều lớp sợi xếp chồng lên nhau. Các sợi trong mỗi lớp kế tiếp được sắp xếp theo đường chéo so với các sợi ở lớp trước đó. Zeglen khâu toàn bộ áo bằng chỉ lụa bền chắc để tạo thành một khối liền mạch. Loại áo này có khả năng chống đạn là do sự kết hợp của hai yếu tố – độ bền cao của sợi tơ và số lượng lớn các lớp vải xếp chồng lên nhau”.
Để quảng bá sáng chế mới, Zeglen bắt đầu tổ chức các buổi trình diễn trước công chúng, nơi ông mời cảnh sát, quân nhân, cũng như các nhà báo và người dân đến tham dự. Ông yêu cầu tình nguyện viên bắn vào một khối gỗ được bảo vệ bằng một tấm vải chống đạn. Sau đó, ông sử dụng động vật để thử nghiệm sáng chế của mình. Khi các kết quả ban đầu đều tốt đẹp, ông lên kế hoạch thử nghiệm trên cơ thể người sống. Nhiều tình nguyện viên sẵn sàng mặc áo chống đạn và hứng chịu một phát súng. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, Zeglen quyết định tự mình tham gia vào thí nghiệm do ông không muốn những người khác gặp nguy hiểm.
Thách thức lớn nhất của Zeglen là thiết kế một chiếc áo bảo vệ có thể chặn được đạn súng trường Krag-Jorgensen, loại vũ khí mà Quân đội Mỹ sử dụng kể từ năm 1894 với vận tốc đầu đạn khoảng 600 m/s, lớn hơn từ hai đến ba lần so với đạn súng lục ổ quay. Đạn súng trường Krag-Jorgensen có khả năng xuyên thủng một khối gỗ sồi dày nửa mét từ khoảng cách 600m. Áo chống đạn của Zeglen khi đó quá yếu để ngăn chặn một viên đạn mang động lượng lớn như vậy.
Zeglen nhận thấy vải dệt thủ công bằng tay không thể đạt mức độ bảo vệ cần thiết. Giải pháp của ông nằm ở việc cơ khí hóa, sử dụng một loại máy dệt có khả năng tạo ra loại vải bền và đàn hồi hơn. Nhưng để có được một thiết bị chuyên dụng như vậy cũng là một thách thức lớn. Vì vậy, Zeglen đã đến châu Âu, nơi ông hy vọng tìm thấy những người có đủ chuyên môn và máy móc cần thiết nhằm hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Tại đây, ông đã hợp tác với nhà phát minh người Ba Lan Jan Szczepanik, người nổi tiếng với sự thông minh, sáng tạo và có biệt danh là “Edison Ba Lan” vì những thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ đã tận dụng chuyên môn của các chuyên gia ngành dệt may để chế tạo thành công loại vải lụa vượt xa những gì Zeglen đã đạt được theo cách thủ công. Ngay sau đó, Zeglen quay trở lại Mỹ với vật liệu áo chống đạn cải tiến. Ông mong muốn quảng bá sáng chế của mình cho các cơ quan thực thi pháp luật và thương mại hóa nó. Tuy nhiên, nỗ lực thiết lập dây chuyền sản xuất của ông đã bị đình trệ do chi phí sản xuất áo chống đạn quá cao.
Trong khi đó ở châu Âu, Szczepanik bắt đầu đưa ra những tuyên bố táo bạo, tự xưng mình là người sáng tạo duy nhất của chiếc áo chống đạn bằng lụa và thậm chí còn tìm kiếm thỏa thuận hợp tác với các tổ chức nước ngoài, bao gồm cả Nga. Khi nhận thấy dấu hiệu của sự phản bội, Zeglen đã cắt đứt mọi liên hệ với người cộng sự cũ. Tuy nhiên, do thiếu khả năng kinh doanh khôn ngoan như Szczepanik, Zeglen gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư ủng hộ sáng chế của mình.
Câu chuyện về áo chống đạn bằng lụa của Zeglen khép lại sau buổi trình diễn sản phẩm cuối cùng của ông trước công chúng vào tháng 5/1913. Dựa vào kiến thức dệt may của mình, ông thành lập Công ty The Zeglen Tire & Fabric Co với hoạt động chủ yếu là gia cố lốp xe hơi bằng loại vải lụa bền chắc do ông phát triển. Zeglen qua đời năm 1927 và những đóng góp của ông gần như không được công chúng biết đến một cách rộng rãi.
Phải rất lâu sau đó, vượt xa thời đại của Zeglen, các loại sợi tổng hợp bền và dẻo dai hơn lụa mới xuất hiện. Chúng là tiền đề cho sự ra đời của các loại áo chống đạn với khả năng bảo vệ ngày càng tốt hơn.
Bài đăng số 1286 (số 14/2024) KH&PT