Các nhà khoa học phát hiện mai rùa biển và rùa cạn có thể được sử dụng để nghiên cứu ô nhiễm hạt nhân.

Giống như các vòng cây tiết lộ lịch sử khí hậu Trái đất và lõi băng tiết lộ lịch sử nhiệt độ trong quá khứ, các lớp của mai rùa ghi lại dấu vết về các thời kỳ có bụi phóng xạ hạt nhân, theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học PNAS Nexus.

Hình minh họa. Nguồn: Alamy

Nghiên cứu tập trung vào rùa ở những khu vực bị ô nhiễm hạt nhân và đo lượng uranium có trong vảy, lớp vỏ xương bên ngoài hay mai của chúng. Những bộ phận này được cấu tạo từ keratin. Mỗi năm, mai rùa lại dày thêm. Mỗi lớp trên mai tương đương với một năm tuổi thọ của chúng và có thể lưu lại những đặc điểm trong môi trường xung quanh chúng theo thời gian.

5 mẫu vật chelonians - bộ bò sát bao gồm rùa cạn và rùa biển - từ các bộ sưu tập lịch sử tự nhiên đã được nghiên cứu. Một trong số này đến từ Đảo san hô Enewetak, được thu thập vào năm 1978. Đảo san hô Enewetak và khu vực xung quanh ở Thái Bình Dương, là địa điểm của 67 vụ thử hạt nhân. Trong đó Enewetak là địa điểm của 43 vụ thử.

Nghiên cứu cũng xem xét một con rùa được thu thập vào năm 1962 từ Oak Ridge, Tennessee, Hoa Kỳ, nơi có cơ sở hạt nhân sản xuất và xử lý uranium từ năm 1943.

Kết quả, những động vật sống lâu này đều tích lũy các hạt nhân phóng xạ do con người tạo ra hoặc từ môi trường, và cho thấy rùa có thể ghi lại thông tin về tác động của con người với toàn cảnh hạt nhân trong một thời gian dài.

Nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi dự đoán rằng việc kết hợp phân tích trên các mẫu vật được thu thập từ trước và mới đây sẽ mở rộng đáng kể khả năng giám sát môi trường, liên quan đến các câu hỏi về ô nhiễm hạt nhân đang được đặt ra”.

Nguồn: