“Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Nguyen and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century” của học giả Alexander Barton Woodside được đánh giá như một trong những kinh điển học thuật về lịch sử Việt Nam nói chung, và lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX nói riêng.

Trên cơ sở nghiên cứu so sánh giữa hai chính quyền nhà Nguyễn và nhà Thanh trong 50 năm đầu thế kỷ XIX, Woodside cấu trúc nghiên cứu của mình thành năm phần: (1) khảo lược về những tương tác lịch sử giữa Việt Nam và Trung Hoa trước thời hoàng đế Minh Mạng (1820-1841); (2) so sánh bộ máy hành chính trung ương của triều đình Huế và Bắc Kinh nhằm đưa ra những nhận định về tương đồng và dị biệt; (3) khảo tả về bộ máy quan liêu cùng mối liên hệ giữa trung ương và địa phương, mà nhờ đó đưa ra những nhận định về sự khác biệt hơn là tương đồng; (4) giáo dục và các kì thi tuyển chọn nhân tài; cuối cùng (5) sự nhìn nhận thế giới quan chính trị của hoàng đế nhà Nguyễn trong vai trò Thiên tử.

Woodside không lựa chọn nghiên cứu về bộ máy chính quyền trong thời đại hào khí Đông A thời Trần, về thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn và sự huy hoàng của triều Lê Sơ,... thay vào đó, ông lựa chọn nghiên cứu khoảng 50 năm đầu triều đình Huế. Lựa chọn này phản ảnh quan điểm lịch sử thông thường, rằng thế kỷ XIX là thời kỳ Tân Nho giáo (1) ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với xã hội Việt Nam truyền thống cũng như triều đại nhà Nguyễn có lẽ là triều đại áp dụng mô hình Trung Hoa nổi trội nhất trong lịch sử Việt Nam.

Nghiên cứu của Woodside là một trong những công trình tiên phong của ngành Việt Nam học tại Mỹ. Ảnh: NN

Nghiên cứu tập trung vào thời kỳ cai trị của hoàng đế Minh Mạng, người con thứ của hoàng đế trung hưng Gia Long (1802-1819), một trong những nhân vật sùng Nho hàng đầu của lịch sử Việt Nam. Đồng thời, với điều này, Woodside đã giúp đánh giá lại một nhân vật thường phải chịu cái nhìn kém thiện cảm của các sử gia thuộc địa Pháp.

Tuy nhiên, cuốn sách nghiêng về so sánh xã hội, văn hóa và thể chế của các nhà nước Đông Á hơn là đặt trọng tâm vào sự phát triển của lịch sử nhà nước Việt Nam.

Trong chương I của cuốn sách, Woodside nhấn mạnh tính độc đáo của xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX khi song song tồn tại văn hóa Trung Hoa trong triều đình và những dấu ấn Đông Nam Á bản địa tại các làng xã. Trong khi đó, ở ba chương tiếp theo, toàn bộ hệ thống chính trị triều Nguyễn từ trung ương đến địa phương đã được khảo tả trong so sánh với cấu trúc nhà Thanh, nhất là trên cơ sở khác biệt về quy mô.

Khi so sánh cấu trúc chính quyền giữa nhà Nguyễn và nhà Thanh, trên cơ sở nguồn tư liệu sơ cấp như Đại Nam Thực lục hay Đại Thanh Hội điển, các sắc chỉ triều đình, tư liệu văn học, v.v…, Woodside tập trung vào những điểm tương đồng và khác biệt của hai xã hội cũng như ảnh hưởng của xã hội trước đối với xã hội sau.

Những nghiên cứu về ảnh hưởng của Trung Hoa đối với Triều Tiên và Nhật Bản dẫn đến kết luận dự kiến của tác giả rằng Việt Nam sẽ không bao giờ giải quyết thành công các khó khăn trong việc tích hợp mô hình truyền thống của Trung Hoa. Nguyên nhân bắt nguồn từ những khác biệt giữa xã hội Việt Nam với Trung Hoa hay Triều Tiên, đặc biệt là về quy mô cũng như vị trí cầu nối cầu nối giữa văn minh Đông Á và Đông Nam Á, giữa thế giới Hán hóa và Ấn hóa của Việt Nam.

Trong số những căng thẳng chính yếu giữa xã hội Việt Nam với mô thức Trung Hoa, nền quân chủ Việt Nam đã duy trì tính nhị nguyên nhất định bởi Nho giáo chỉ chủ yếu có ảnh hưởng trong tầng lớp sĩ phu Nho học và triều đình. Chính bằng việc định nghĩa ngầm vấn đề chính trong xã hội Việt Nam là cuộc xung đột văn hóa giữa văn hóa Nho giáo và văn hóa Đông Nam Á bản địa, nghiên cứu của Woodside đã tự tách rời với một chủ đề lịch sử quan trọng của nhà Nguyễn: vấn đề bất mãn và nổi dậy của nông dân.

Trong khi nhấn mạnh nhà Nguyễn là triều đại cố gắng áp đặt mẫu hình Trung Hoa hơn bất cứ triều đại nào khác trong lịch sử Việt Nam, ông không cố gắng lý giải vì sao lại như vậy. Ông cũng không lý giải vì sao triều Nguyễn lại thảm bại trước cuộc xâm lăng của Đế quốc Pháp, mà thay vào đó, tập trung xem xét sự bảo thủ của Nho giáo trong nước trong khi những thách thức từ phương Tây đã thúc đẩy nhiều nước đồng văn phải cải cách xã hội và tư duy. Tuy nhiên, Woodside gợi ý rằng mối quan tâm của các hoàng đế với công nghệ và tri thức phương Tây đã phải nhường chỗ cho mối quan tâm trước mắt và thực tế hơn, chính là củng cố quyền lực trước những thách thức và hiểm hoạ từ sự phẫn nộ và bất mãn của nông dân với nạn cường hào, sưu thuế, lao dịch và thiên tai.

Sự gợi ý đó củng cố quan điểm của Woodside về việc nhà Nguyễn vay mượn các mô thức Trung Hoa không chỉ bắt nguồn từ mối liên hệ văn hóa truyền thống của giới tinh hoa hai nước, mà còn bởi sự phục hồi của tư tưởng bảo thủ sau hai thế kỷ dài đầy bất ổn và biến động xã hội bởi cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn và những cao trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Nông dân nhiều nơi vẫn tiếp tục chống đối triều đình trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX. Ngay trong triều đại Gia Long, Woodside đã thống kê có đến 105 cuộc nổi dậy của nông dân trong vòng 18 năm. Nhưng ngoài việc đề cập thoáng qua mối lo ngại của Gia Long về khả năng gây bất ổn của làng xã, phân tích của Woodside hầu như thiếu vắng những căng thẳng xã hội chưa được giải quyết, điều đã khiến triều đại nhà Nguyễn buộc phải tái khẳng định các giá trị Nho giáo với niềm tin khôi phục lại sự ổn định và trật tự trên cơ sở đạo lý. Nông dân Việt Nam, bộ phận quan trọng thứ hai trong hệ thống xã hội tứ dân truyền thống (sĩ, nông, công, thương), chỉ được nhắc đến một cách chiếu lệ trong nghiên cứu này.

Giới nghiên cứu quốc tế có xu hướng nhấn mạnh việc chính quyền quân chủ Việt Nam luôn tuân theo một khuôn mẫu với các tiền lệ Trung Hoa, ít nhất từ thế kỷ XI, và đỉnh cao là triều đại Minh Mạng, nhưng Woodside góp phần đính chính nhận định truyền thống đó. Hẳn nhiên, triều Nguyễn thấm nhuần trong mình tư tưởng Nho học, uốn nắn thể chế theo các điển phạm Trung Hoa và tự khẳng định mình như một Thiên triều phía Nam; song theo quan điểm của tác giả, không phải lúc nào điều đó cũng diễn ra. Sự vay mượn ngôn ngữ trong triều đình Huế không chỉ là trong Hán ngữ, mà thậm chí còn bao gồm cả các phương ngữ Đông Nam Á. Sự hiện diện của từ cù lao bắt nguồn từ pulau trong tiếng Mã Lai, hay danh xưng Hoa-lang để chỉ các nước châu Âu được vay mượn từ farang trong tiếng Xiêm để chỉ dân da trắng (?) (tr.360) Bản thân triều Nguyễn dù áp đặt mẫu hình Trung Hoa, nhưng theo tác giả, đã áp đặt cả tiền lệ Nam-Bắc Triều, Kim-Tống để phân định mình với thể chế tại Trung Nguyên.

Những đánh giá của Woodside không chỉ có giá trị đối với giới nghiên cứu mà còn đối với những độc giả mong muốn tìm hiểu về nhà Nguyễn. Bởi lẽ đó, việc Vietnam and the Chinese Model được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam là cơ hội cho độc giả tìm hiểu và đón đọc một trong những nghiên cứu hàng đầu về lịch sử nước ta của một học giả quốc tế. Bản dịch “Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa - Nghiên cứu so sánh về chính quyền dân sự nhà Nguyễn và nhà Thanh nửa đầu thế kỷ XIX”, 2022) do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phát hành mới đây tương đối tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cần lưu ý một vài vấn đề sau.

Thứ nhất, đây là nghiên cứu của một học giả quốc tế viết cho độc giả quốc tế. Do đó, khó tránh khỏi việc tác giả đơn giản hóa vấn đề dân tộc Việt Nam khi xuất bản cuốn sách này vào năm 1971. Điển hình như việc sử dụng liên tục những thuật ngữ như “quân binh Việt Nam” hay “quân đội Việt Nam” khó có thể được xem là phù hợp trong bối cảnh thế kỷ XVI-VIII. Cũng như vậy, việc liên tục xuất hiện những câu như “quân đội Việt Nam bắt đầu can thiệp sâu vào chính trường Campuchia” (tr.361), “ứng viên được phía Việt Nam hiện thời giúp đỡ” (tr.362),... theo chúng tôi là không phù hợp với ngữ cảnh. Thực tế, hoàn toàn có thể thay thuật ngữ Vietnamese bằng người Việt, hay quân Đàng Trong, quan binh chúa Nguyễn, quân đội nhà Nguyễn tùy theo ngữ cảnh. Hay như trong chương IV, mục “Học sinh, giáo viên và sách giáo khoa” có thể chuyển thành “Khóa sinh, thầy đồ và văn sách” cho đúng với ngữ cảnh hơn là dùng các từ ngữ hiện đại.

---

(1) Tân Nho giáo, hay còn được biết đến là Tống-Minh lý học, là một trường phái tư tưởng Nho giáo nổi lên từ thời Tống ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến Việt Nam từ thế kỷ XIV. Đây là một triết lý đạo đức, đạo lý và siêu hình nhằm loại bỏ các yếu tố thần bí của Đạo giáo và Phật giáo vốn ảnh hưởng đến Nho học sau thời Hán.