Chiều 29/10, tại Hội nghị cấp cao về Công nghiệp bán dẫn tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Việt Nam đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030."

Việt Nam đang gấp rút đào tạo nhân lực trong ngành vi mạch, bán dẫn với mục tiêu 50.000 nhân sự. Ảnh: AFP
Việt Nam đang gấp rút đào tạo nhân lực trong ngành vi mạch, bán dẫn với mục tiêu 50.000 nhân sự. Ảnh: AFP

Mục tiêu này phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, vốn được xác định là một trong những ngành công nghệ cao có tiềm năng thúc đẩy kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới. Công nghiệp bán dẫn là nền tảng của việc sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị di động thiết yếu trong thời đại công nghệ số.

Từ đầu năm 2023, Việt Nam đã tổ chức các cuộc đàm phán với những công ty chip lớn trên thế giới nhằm thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam và có thể xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên của riêng mình.

Theo ước tính, nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam là 5.000-10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng hiện chưa đến 20%.

Thiếu hụt nhân lực là vấn đề cần được giải quyết sớm bởi hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào công nghiệp vi điện tử và bán dẫn ở Việt Nam, đòi hỏi một số lượng lớn nhân lực; chưa kể đến các doanh nghiệp Việt cũng đang bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực này.

Tuần trước, 5 đơn vị tham gia vào nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành bán dẫn tốt nhất hiện nay như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính Viễn thông đã tuyên bố hình thành liên minh đào tạo công nghệ bán dẫn.

Tại hội thảo NIC, một số cơ sở đào tạo khác như VinUni cũng đưa ra cam kết đào tạo lực lượng lao động và phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu điện toán tiên tiến để thúc đẩy thế hệ sản xuất, thiết kế và ứng dụng chất bán dẫn thế hệ tiếp theo.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nội địa như Viettel, VNPT, FPT, CMC v.v bày tỏ sẵn sàng hợp tác để phát triển nguồn nhân lực cho ngành này.

Hiện nay, Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp chip ở nước ngoài, chỉ có hai công ty trong nước là Viettel và FPT mới bắt đầu tham gia thiết kế chip. Các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn như gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định.

Tại hội thảo, ông Vũ Hải Quân, Hiệu trưởng Đại học Quốc gia TPHCM, mong chờ Chính phủ sẽ công bố chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành này "càng sớm càng tốt".

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ John Neuffer cho rằng kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam là một lựa chọn khôn ngoan nhưng cần phải thực hiện sớm.

Trao đổi với Khoa học & Phát triển trước đó, PGS. TS Nguyễn Trần Thuật (Trung tâm Nano và năng lượng, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận xét, "Câu chuyện nhân lực chủ yếu là bài toán cung cầu. Nếu có đặt hàng để mở cánh cửa đầu ra cho đào tạo thì các trường ở Việt Nam sẽ lập tức lên kế hoạch đáp ứng ngay, chứ không ai đào tạo trước để chờ cả."

Do vậy, trong thời gian hiện nay, những chính sách đặt hàng, ưu đãi và động viên của nhà nước đóng vai trò lớn trong phát triển nhân lực, ít nhất tạo niềm tin bước đầu cho các cơ sở đào tạo.

Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài để có được những nhân lực chất lượng. Chẳng hạn, năm nay, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC mở đợt tuyển dụng hơn 6.000 kỹ sư ở Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Á khác, từ những chuyên gia có kinh nghiệm đến sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Theo một nguồn tin ẩn danh, lần đầu tiên TSMC đã đến Việt Nam để tuyển dụng nhân sự - khoảng vài chục người, phần lớn đến từ Trường Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) - và có kế hoạch tuyển dụng nhiều hơn trong tương lai. "Nhân sự chất lượng cao cho ngành bán dẫn sẽ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các tập đoàn", nguồn tin nói.


Ba gợi ý phát triển ngành bán dẫn

Tại Hội nghị cấp cao về Công nghệ bán dẫn, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng Việt Nam có thể áp dụng ba chiến lược phát triển ngành bán dẫn là:
  • Phát huy thế mạnh trong thiết kế và đóng gói mạch bán dẫn, bao gồm thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu;
  • Thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch "Make in Vietnam" để phục vụ thị trường trong nước và sau đó là thị trường quốc tế;
  • Kiên nhẫn tìm kiếm cơ hội để tham gia tốt hơn vào sản xuất vi mạch, bắt đầu với các công nghệ sản xuất vi mạch thông thường và sau đó dần dần làm chủ các vi mạch tiên tiến khác.