Sự ra đời của metaverse vài năm trước từng được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới về kết nối xã hội. Nhưng việc một số dự án metaverse lớn bị chấm dứt gần đây đã làm dấy lên tranh luận rằng: Liệu có phải metaverse đã sớm bị “khai tử”?
Metaverse có thể tồn tại ở dạng thế giới ảo toàn phần – tương tự một hệ thống thực tế ảo (VR), hoặc thế giới ảo bán phần – tích hợp thực tế tăng cường (AR) vào bối cảnh thế giới thực.
Với vai trò là bản “song sinh kỹ thuật số” của thế giới thực, metaverse được ứng dụng ở nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống - công việc, học tập, giải trí, sản xuất kinh doanh, thậm chí là tái tạo các thảm họa thiên nhiên cho mục đích phòng chống thiên tai.
Tuy nhiên, việc một số dự án lớn bị chấm dứt gần đây đã làm dấy lên tranh luận rằng: Liệu metaverse đã sớm bị “khai tử”?
Tháng 3 năm nay,
Microsoft tuyên bố đóng cửa nền tảng không gian làm việc ảo AltSpaceVR sau khi sa thải 100 thành viên của dự án.
Disney cũng giải thể bộ phận metaverse vào tháng 3 vừa qua. Mark Zuckerberg, một trong những người từng ủng hộ mạnh mẽ nhất cho metaverse, thì được cho là đang chuyển trọng tâm của
Meta sang trí tuệ nhân tạo thay vì metaverse.
Theo TS Võ Thị Hồng Diễm, giảng viên ngành kinh doanh trên ứng dụng blockchain tại Đại học RMIT Việt Nam, metaverse đã gặp phải một số thách thức kể từ khi mới ra đời.
“Một vấn đề chính là hạn chế về công nghệ. Các công nghệ hiện tại có thể gặp khó khăn trong việc mang lại trải nghiệm hoàn toàn chân thực và liền mạch do những hạn chế liên quan đến sức mạnh xử lý của máy vi tính và băng thông”, TS Diễm nói.
“Hơn nữa, khả năng tiếp cận và giá thành của phần cứng cần thiết như kính VR/AR và mạng Internet tốc độ cao cũng có thể cản trở việc áp dụng rộng rãi metaverse”, chị nói thêm.
Một thách thức quan trọng khác là nguy cơ phân mảnh trong metaverse. TS Diễm giải thích, các nền tảng có thể phát triển phiên bản metaverse của riêng mình, dẫn đến sự cô lập và vấn đề không thể tương tác được giữa các nền tảng khác nhau. Điều này cản trở việc hiện thực hóa một vũ trụ ảo thống nhất. Các lãnh đạo trong ngành và những gã khổng lồ công nghệ đã nhận ra vấn đề và họ đang vận động xác lập các tiêu chuẩn mở và tăng khả năng tương tác để đảm bảo trải nghiệm thống nhất.
Trong khi đó, Ths Hà Xuân Sơn - giảng viên ngành kinh doanh trên ứng dụng blockchain, Đại học RMIT Việt Nam - lại nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến danh tính (identity) gây quan ngại cho người dùng tiềm năng và cản trở việc áp dụng rộng rãi metaverse.
“Khái niệm danh tính trong thế giới kỹ thuật số – nơi người dùng thường tương tác thông qua hình đại diện (avatar) – đặt ra câu hỏi về quyền pháp lý và quyền công dân kỹ thuật số. Những lo ngại về quyền riêng tư, hoạt động giám sát và khả năng gây nghiện cũng được nêu lên khi bàn về tính chân thực của metaverse”, ThS Sơn nói.
Tuy nhiên, những người ủng hộ metaverse cho rằng các báo cáo về sự sụp đổ của metaverse đã bị phóng đại quá mức. Họ chỉ ra rằng công nghệ này vẫn đang tiếp tục phát triển, mối quan tâm của các doanh nghiệp vẫn cao, và tiềm năng định hình lại cách mọi người tương tác với không gian kỹ thuật số vẫn hiện hữu. Thay vì là một khái niệm đang chết dần, metaverse được coi là đang ở giai đoạn sơ khai, cần khám phá và phát triển thêm.
“Các quan điểm trái chiều về sự sụp đổ của metaverse nêu bật yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và xây dựng cách tiếp cận bài bản để giải quyết các vấn đề về đạo đức”, TS Diễm nhận xét.
Theo chị, khi metaverse tiếp tục phát triển, nó sẽ phải vượt qua những thách thức và chỉ trích nêu trên để khai phá toàn bộ tiềm năng của mình.
Đồng thời, cần phải củng cố năng lực người dùng thông qua việc giáo dục và bồi đắp kiến thức, kỹ năng số để duy trì một môi trường an toàn và lấy người dùng làm trung tâm.
Những trở ngại và chỉ trích mà metaverse hiện đang phải đối mặt không khác gì những thách thức mà nhiều công nghệ mới nổi trước đây từng gặp phải khi vừa hình thành.
“Metaverse đang trải qua giai đoạn đánh giá lại và điều chỉnh cần thiết", ThS Sơn kết luận. Bằng cách giải quyết từng thách thức và tư duy lại về từng khả năng, con người có thể sẽ đón nhận một metaverse không chỉ khả thi về mặt công nghệ mà còn có lợi về mặt xã hội trong tương lai.