Mitsubishi Heavy Industries, tập đoàn công nghiệp nặng lừng danh Nhật Bản, đang lên kế hoạch phát triển và thương mại hóa các lò phản ứng hạt nhân nhỏ gọn – có thể được vận chuyển trên xe tải – vào cuối thập kỷ tới, nhằm đáp ứng kỳ vọng của thị trường năng lượng phi carbon.
Lò phản ứng theo thiết kế sẽ có kích thước 3x4m, nặng dưới 40 tấn, đạt công suất tối đa 500 kW (bằng 1/20 lò truyền thống), hoàn toàn nằm gọn trong một thùng container để dễ dàng vận chuyển tới những vùng xa xôi hoặc nơi đang bị thiên tai. Ngoài ra, lò cũng có thể được chôn dưới đất nhờ kích thước nhỏ gọn, giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra thảm họa do thiên tai, khủng bố,... Chưa hết, giải pháp này còn có tiềm năng ứng dụng rất lớn trong lĩnh vực khám phá không gian. Mitsubishi kỳ vọng công nghệ sẽ được thương mại hóa sớm nhất vào thập niên 2030, sau khi được chính phủ Nhật và các nước khác chấp nhận.
Đây là thiết kế lò phản ứng mini thế hệ mới (IV), được kỳ vọng đạt độ an toàn cao hơn nhiều so với thế hệ trước (III, III+) và hướng tới triển khai gần những khu vực đông dân cư. Phần lõi lò, chất làm mát và nhiều thiết bị vận hành khác sẽ được bố trí trong các khoang kín; nhiên liệu Uranium (đã qua làm giàu cao) đủ dùng trong khoảng 25 năm, khi hết thì toàn bộ lò phản ứng có thể được thu hồi. Bên cạnh đó, Mitsubishi còn sử dụng công nghệ làm mát tiên tiến – bằng graphine thể rắn (dẫn nhiệt rất tốt) bao quanh lõi lò thay cho chất làm mát dạng lỏng.
Theo ước tính, chi phí chế tạo một lò phản ứng như vậy sẽ tốn khoảng vài chục triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số 6 tỷ USD (hoặc hơn) để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất 1,2 gigawatt; mặc dù chi phí sản xuất 1 kWh [điện] sẽ cao hơn nhưng nó lại đặc biệt phù hợp để cấp điện cho nhưng nơi hẻo lánh, bị cô lập, và hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Năng lượng hạt nhân, vốn là chủ đề gây nhiều tranh cãi sau các thảm họa như Chernobyl (1986), Fukushima (2011),… hiện đang được nhìn nhận lại trong bối cảnh thế giới đang thúc đẩy tiến trình phi carbon hóa. Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã xác định điện hạt nhân và khí đốt tự nhiên chính là những giải pháp năng lượng carbon thấp để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Hải Đăng (theo Nikkei Asia Review)