Cứ mỗi 5 năm, số bài báo khoa học công bố quốc tế của Việt Nam tăng 1,6 lần trong giai đoạn 1990-2000, tăng 2 lần trong giai đoạn 2000- 2010 và 2,2 lần trong giai đoạn 2010-2015.

Đó là số liệu thống kê về công bố ISI được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc dẫn tại hội nghị tổng kết các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 sáng 10/9. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cùng đại diện Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, các bộ, ban ngành và ban chủ nhiệm các chương trình.

Ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học, thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa và quà tri ân các Ban chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Loan Lê,
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa và quà tri ân Ban chủ nhiệm các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Loan Lê.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, trước năm 1990,có thể do số bài báo khoa học công bố quốc tế của Việt Nam còn ít nên trang web quốc tế đã không thống kê. Kể từ năm 1990, việc thống kê diễn ra đều đặn. Cụ thể, con số công bố ISI là 131 vào năm 1990, tăng lên 228 vào năm 1995 và 363 vào năm 2000. Đến năm 2005, số công bố ISI là 658, năm 2010 là 1.415 và năm 2015 đã lên tới 3.204.

"Con số này cho thấy số công bố đẳng cấp quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam đã có sự thay đổi đột biến" - Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Loan Lê.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Loan Lê.

Các lãnh đạo, đại biểu, nhà khoa học tham dự hội nghị. Ảnh: Loan Lê.
Các lãnh đạo, đại biểu, nhà khoa học tham dự hội nghị. Ảnh: Loan Lê.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, dù nguồn lực đất nước còn hạn chế, Nhà nước đã dành lượng kinh phí khá lớn cho các chương trình trọng điểm cấp nhà nước và thu được những thành tựu đáng kể, không chỉ ở số công trình công bố quốc tế mà còn ở những đóng góp cho kinh tế đất nước.

Minh chứng thêm cho những đóng góp này, TS Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước - cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 có 15 chương trình trọng điểm cấp nhà nước, trong đó 10 chương trình thuộc lĩnh vực KH&CN (chương trình KC) và 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). Sau 5 năm, các chương trình đã tạo ra 23 giống cây mới và 25 chủng vi sinh, giống vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ.

TS Nguyễn Thiện Thành báo cáo tổng kết chương trình. Ảnh: Loan Lê.
TS Nguyễn Thiện Thành báo cáo tổng kết chương trình. Ảnh: Loan Lê.

Các chương trình cũng đã tạo ra được 208 công nghệ mới - trong đó có 55 công nghệ đã được hoàn thiện và chuyển giao cho sản xuất, 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình hoàn thiện. Đã có 161 mẫu máy móc, thiết bị mới được tạo ra với 65 mẫu máy đã được hoàn thiện và ứng dụng trong sản xuất. Các đề tài đã tạo ra 321 loại vật liệu mới và thương mại hóa được 73 sản phẩm… Tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa đạt hàng trăm tỷ đồng.

Theo ông Thành, thành công của các chương trình có thể đánh giá chung về mức độ làm chủ công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới; mức độ ứng dụng các kết quả vào phục vụ sản xuất và đời sống; đóng góp trong nâng cao tiềm lực KH&CN; hiệu quả kinh tế - xã hội của các nghiên cứu. Có thể kể đến thành công của kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, với nhiều ưu điểm so với kỹ thuật đang thực hiện tại các quốc gia tiên tiến, hay quy trình ghép khối thận - tụy từ người chết não - là kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được các bác sĩ Việt Nam làm chủ.

“Việc thực hiện thành công ca ghép thận tụy lấy từ người chết não đầu tiên đánh dấu một bước phát triển của y học Việt Nam trong lĩnh vực ghép đa tạng, đặc biệt là việc lấy tạng từ người chết não. Thành công này không chỉ khẳng định mạnh mẽ sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam mà còn góp phần hiện thực hóa Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người” – TS Thành nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực y, dược đã có khoảng gần 100 quy trình công nghệ được chuyển giao áp dụng ngay trong các bệnh viện. Một số vắcxin và thuốc chữa bệnh sau nhiều năm nghiên cứu nay đã được nâng cấp ở quy mô thương mại hóa hoặc quy mô sản xuất công nghiệp.

TS Thành cũng dẫn nhiều con số minh chứng cho việc nâng cao tiềm lực KH&CN nhờ các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015. Có tới 400 tiến sĩ và 900 thạc sĩ tốt nghiệp thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án. Có tới 160 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế và trên 200 bài báo khoa học trình bày trong các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, số sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận từ kết quả của các nhiệm vụ KH&CN còn hạn chế.

Đánh giá cao kết quả mà các chương trình, các nhà khoa học đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, đây thực sự là những con số biết nói minh chứng cho những đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước, Chính phủ cũng đã ghi nhận những đóng góp này thông qua Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN với những công trình, cụm công trình tiêu biểu.

Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn tới, trước những khó khăn, trăn trở, kiến nghị của các nhà khoa học, Bộ KH&CN tiếp tục đồng hành tháo gỡ để KH&CN tiếp tục đóng góp vào đổi mới sáng tạo và công cuộc phát triển chung của đất nước.