Với 44 tỷ đồng Nhà nước đầu tư cho 6 nhiệm vụ thuộc chương trình KC.06/11-15, 8 giống lúa thơm năng suất cao ra đời, được trồng trên 100.000ha, giúp người dân thu thêm 50.000 tấn thóc - tương đương 325 tỷ đồng.

Những con số biết nói

Sau 5 năm, các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước đã tạo ra gần 100 quy trình công nghệ được chuyển giao trong lĩnh vực y, dược; 23 giống cây mới, 25 chủng vi sinh, giống vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ; 208 công nghệ mới, trong đó có 55 công nghệ đã được hoàn thiện và chuyển giao…

Những con số này được TS Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc Văn phòng các chương trình - nêu để nhấn mạnh hiệu quả đầu tư cho KH&CN tại hội nghị Tổng kết các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 sáng 10/9.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa và quà cho Ban chủ nhiệm các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Loan Lê

Giai đoạn này có 15 chương trình được triển khai, với 10 chương trình thuộc lĩnh vực KH&CN (chương trình KC), 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX).

TS Thành cho biết, chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, 6 nhiệm vụ thuộc chương trình KC.06/11-15 đã tạo ra 8 giống lúa thơm năng suất cao, chất lượng tốt, kháng một số sâu bệnh hại chính, đã được trồng trên 100.000ha.

Với năng suất tăng 0,5 tấn/ha so với giống đối chứng, các giống này giúp người dân thu thêm 50.000 tấn thóc - tương đương 325 tỷ đồng (tính theo giá thóc trung bình cả nước là 6.500 đồng/kg). Trong khi đó, tổng đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho 6 nhiệm vụ này là 44 tỷ đồng.

“Nếu tính một cách cơ học cho mấy nhiệm vụ này thì chỉ số ICOR lên đến 7,4 - nghĩa là cứ một đồng đầu tư cho đề tài đem lại lợi trực tiếp 7,4 đồng” - TS Thành nói.

Một thành quả khác là công nghệ đốt than trộn của than trong nước (khó cháy) với than nhập khẩu dễ cháy, đem lại hiệu quả rất lớn cho các nhà máy nhiệt điện.

Chỉ tính riêng Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, trong gần 1 năm qua, công nghệ này đã giúp tiết kiệm khoảng 640 tấn than - tương đương 12 tỷ đồng, trong khi kinh phí cho đề tài là khoảng 6,6 tỷ đồng. Đó là chưa tính lợi ích về môi trường do lượng xỉ thải ra ít khi hiệu suất cháy tăng lên.

“Nếu sử dụng công nghệ mới thì với nhu cầu hiện tại, các nhà máy nhiệt điện đốt than của Việt Nam có thể tiết kiệm mỗi năm ít nhất 450.000 tấn than - tương đương 800 tỷ đồng” - TS Thành nhấn mạnh.

Theo ông Thành, thành công của các chương trình có thể giúp đánh giá mức độ làm chủ công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới, mức độ ứng dụng các kết quả vào phục vụ sản xuất và đời sống, đóng góp trong nâng cao tiềm lực KH&CN và hiệu quả kinh tế - xã hội của các nghiên cứu.



Số công bố quốc tế tăng đột biến

Cho rằng các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước đang góp phần tích cực nâng đẳng cấp khoa học của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc dẫn số liệu quốc tế cho thấy, cứ mỗi 5 năm, số bài báo khoa học công bố quốc tế của Việt Nam tăng 1,6 lần trong giai đoạn 1990-2000, tăng 2 lần trong giai đoạn 2000-2010 và 2,2 lần trong giai đoạn 2010-2015.

“Con số này cho thấy số công bố đẳng cấp quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam đã có sự thay đổi đột biến” - Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

Đánh giá cao kết quả này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng đây thực sự là những “con số biết nói“ minh chứng cho đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại tổng thể, không chỉ đơn giản là số bài báo công bố ISI tăng 2,2 lần so với giai đoạn trước mà chỉ cần xét các mục tiêu đặt ra cho toàn chương trình sẽ thấy sự chuyển động tích cực và thu kết quả quan trọng. Các chương trình khoa học xã hội, nhân văn đã có tiếng nói tác động trực tiếp tới Đảng, Chính phủ thông qua các luận cứ khoa học tham gia xây dựng đường lối, thể chế của Đảng và Nhà nước.

Bộ trưởng cũng cho rằng thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, trong đó việc làm thế nào để KH&CN đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn, đổi mới sáng tạo nhiều hơn là trách nhiệm của cả cơ quan quản lý ngành KH&CN, các bộ, ngành, nhà khoa học...

Bộ trưởng kêu gọi các bộ, ngành cùng chia sẻ và khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành tháo gỡ từng khó khăn để các nhà khoa học cống hiến tốt hơn, giúp KH&CN khẳng định vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2011-2015, các chương trình tạo ra 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình hoàn thiện; có 161 mẫu máy móc, thiết bị mới được tạo ra với 65 mẫu máy đã được hoàn thiện và đưa vào sản xuất. Các đề tài cũng tạo ra 321 vật liệu mới và thương mại hóa được 73 sản phẩm… Có 400 tiến sỹ và 900 thạc sỹ tốt nghiệp thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án. Có 160 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế và trên 200 bài được trình bày trong các hội nghị quốc tế.