Từ tháng 12/2021, các nhà khoa học nữ của Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu khởi động chuỗi bài giảng đại chúng mang tên “Khoa học - Công nghệ và Đời sống”.

Chuỗi bài giảng được thực hiện trong 6 số, mỗi số phát sóng trực tiếp mỗi tháng một lần trên nền tảng MS team và Facebook dành cho khán giả trong và ngoài trường.

“Mỗi số sẽ là một chủ đề khác nhau nhưng đều thiết thực và gần gũi với các bạn học sinh, sinh viên. Các bài giảng được thiết kế mang tính thường thức, không đi quá sâu vào chuyên môn nhưng sẽ đủ để mọi người biết thế giới đang làm gì trong lĩnh vực này và chúng được ứng dụng ra sao trong cuộc sống, đi kèm với đó là những công nghệ lõi quan trọng nhất”,PGS. TS. Trương Thu Hương, Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật truyền thông, trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội),thành viên của Future Internet Lab và là một trong những người góp phần xây dựng chuỗi bài giảng, chia sẻ với Khoa học & Phát triển.

Bài giảng đại chúng do các nhà khoa học nữ đảm nhận | Ảnh: HUST
Poster bài giảng đại chúng do các nhà khoa học nữ đảm nhận | Ảnh: HUST

Số đầu tiên diễn ra vào sáng thứ Bảy, ngày 18/12, có chủ đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, dự báo ô nhiễm không khí, với phần trình bày của TS. Lý Bích Thuỷ (Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường INEST) và TS. Nguyễn Phi Lê (Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông SoICT).

Tiếp đó, hằng tháng, các chủ đề sẽ lần lượt được triển khai dựa trên các ngành thế mạnh của trường, bao gồm ứng dụng thị giác máy tính trong hỗ trợ các nhóm yếu thế; hóa học và thiên nhiên; thời trang, giày da, may mặc và cuộc sống; robot thông minh; vật lý hạt nhân …

Đặc biệt, chuỗi bài giảng của trường Đại học Bách khoa Hà Nội do các nhà khoa học nữ đảm nhận.

“Bản thân nữ giới xưa nay vẫn nổi tiếng là ngại, cho rằng mình không thể làm được về kỹ thuật công nghệ. Nhưng qua hình ảnh của những cô giáo Bách khoa năng động, tự tin nói về những gì mình đã làm và chứng tỏ được sự thành công trong lĩnh vực của mình, chúng tôi muốn khuyến khích các em nữ đi theo các ngành STEM”, PGS. TS. Trương Thu Hương bày tỏ. “Chúng tôi thường nói với nhau trong hội là 'phụ nữ Bách khoa lan tỏa tình yêu công nghệ' – và đó chính là thông điệp mà chuỗi bài giảng muốn truyền đến mọi người”