Dữ liệu cho thấy những người thường xuyên trải qua ác mộng ở tuổi trung niên có thể bị suy giảm nhận thức nhanh hơn và có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn khi về già.

Hầu hết mọi người thỉnh thoảng trải qua những giấc mơ tiêu cực hoặc ác mộng, nhưng có khoảng 5% người trưởng thành gặp ác mộng ít nhất một lần một tuần. Căng thẳng, lo lắng và thiếu ngủ đều có thể là những nguyên nhân tiềm ẩn, nhưng nghiên cứu trước đây ở những người bị bệnh Parkinson cũng đã chỉ ra rằng những giấc mơ tiêu cực có liên quan tới tốc độ suy giảm nhận thức nhanh hơn và tăng nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ trong tương lai.

Hình minh họa.

Để điều tra xem điều này có đúng với những người trưởng thành khỏe mạnh hay không, Tiến sĩ Abidemi Otaiku tại Đại học Birmingham đã phân tích dữ liệu từ ba nghiên cứu đã có đã kiểm tra chất lượng giấc ngủ của mọi người và sau đó theo dõi họ trong nhiều năm, đánh giá sức khỏe não bộ cũng như các tình trạng sức khỏe khác. Dữ liệu bao gồm hơn 600 người trưởng thành trung niên (từ 35 đến 64 tuổi) và 2.600 người từ 79 tuổi trở lên.

Dữ liệu được phân tích bằng phần mềm thống kê để tìm tương quan giữa nhóm người hay xuất hiện những giấc mơ tiêu cực và nhóm người có nguy cơ bị suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.

Nghiên cứu được công bố trên eClinicalMedicine cho thấy những người trung niên trải qua những giấc mơ tiêu cực ít nhất một lần một tuần có nguy cơ bị suy giảm nhận thức trong 10 năm sau cao gấp 4 lần so với những người hiếm khi gặp ác mộng. Trong số những người cao tuổi tham gia, các cá nhân thường xuyên báo cáo những giấc mơ tiêu cực có nguy cơ được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ cao gấp đôi.

Một khả năng là những người thường xuyên có giấc mơ tiêu cực có giấc ngủ kém chất lượng, lâu dần có thể dẫn đến sự tích tụ của các protein liên quan đến chứng sa sút trí tuệ. Một yếu tố khác là sự tồn tại của một số yếu tố di truyền làm cơ sở cho cả hai hiện tượng.

Tuy nhiên, giả thuyết chính của Otaiku là sự thoái hóa thần kinh trong thùy trán bên phải của não, khiến mọi người khó kiểm soát cảm xúc của mình trong khi mơ, từ đó dẫn đến ác mộng. Ông nói: “Chúng tôi biết rằng các tình trạng thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer thường bắt đầu nhiều năm trước khi bệnh nhân được chẩn đoán. Ở một số người đã mắc bệnh tiềm ẩn, những giấc mơ xấu và ác mộng có thể là một trong những dấu hiệu sớm nhất”.

Ông nhấn mạnh rằng chỉ một nhóm nhỏ những người trưởng thành thường xuyên có những giấc mơ tiêu cực, nhưng nếu giả thuyết này là chính xác thì đây có thể là dấu hiệu dự đoán sớm bệnh.

“Cách tốt nhất để đối phó với chứng sa sút trí tuệ là ngăn chặn nó xảy ra và chúng tôi biết rằng có một số yếu tố nguy cơ có thể hạn chế: chế độ ăn uống nghèo nàn, lười vận động, hút thuốc và uống quá nhiều rượu”, Otaiku nói.

Nguồn: https://www.theguardian.com/society/2022/sep/21/bad-dreams-in-middle-age-could-be-sign-of-dementia-risk-study-suggests