Một điểm nổi bật trong đại dịch COVID-19 là tốc độ phát triển các loại vaccine. Nạn nhân của các đại dịch khác không được may mắn như vậy. Ba thập kỷ nỗ lực phát triển vaccine chống lại virus HIV gây ra hội chứng AIDS đến nay vẫn chưa có kết quả.
Không nản lòng, Moderna, trụ sở tại Massachusetts, nổi tiếng với vaccine mRNA ngừa COVID-19, đang có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm trên người một loại vaccine mới chống lại HIV. Các nhà nghiên cứu hy vọng công nghệ mRNA được sử dụng để sản xuất vaccine COVID-19 cũng sẽ thành công trong việc chống lại HIV.
Cách tiếp cận của Moderna dựa trên kết quả nghiên cứu trước đó của Tổ chức Sáng kiến vaccine AIDS Quốc tế (IAVI) và Viện Scripps Research, một đơn vị nghiên cứu phi lợi nhuận ở San Diego. Nghiên cứu chung của hai tổ chức này, công bố vào tháng Hai năm nay, lần đầu tiên cho thấy có thể kích thích hoạt động của một tế bào miễn dịch, tế bào B dòng mầm, để tạo ra các kháng thể phổ rộng (bnABs) chống lại virus HIV.
Khi phản ứng với các phân tử mầm bệnh haycác kháng nguyên, hệ thống miễn dịch nhanh chóng thực hiện một quá trình thử và sai để tạo ra các phân tử chuyên biệt chống lại mầm bệnh hay các kháng thể. Kháng thể được thiết kế để khống chế mầm bệnh hoặc đánh dấu chúng để các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch tiêu diệt. Nhưng hầu hết các kháng thể mà cơ thể tạo ra để phản ứng với HIV không ngăn chặn được quá trình lây nhiễm vì virus đột biến quá nhanh, liên tục tiến hóa và quá trình sản sinh kháng thể không theo kịp.
Như tên gọi của chúng cho thấy, bnABs ít bị ảnh hưởng bởi đột biến của virus. Thêm vào đó, trong trường hợp của HIV, kháng nguyên mà nhóm nghiên cứu phát hiện ra là một phần của một protein của virus có tên protein gp120. Phần này của gp120 là phương tiện giúp virus HIV gắn kết với các tế bào người trước khi lây nhiễm chúng; phần protein thực hiện quá trình gắn kết chính xác đến mức hầu như bất kỳ đột biến nào cũng sẽ làm cho nó kém hiệu quả hơn. Do đó gp120 gần như bị "mắc kẹt" về mặt tiến hóa, trở thành mục tiêu của vaccine.
Mỗi tế bào B dòng mầm mang "bản thiết kế" chi tiết của một kháng thể và sẵn sàng thực hiện hai nhiệm vụ khi xuất hiện mầm bệnh. Đầu tiên là quá trình tăng sinh tế bào, tạo ra các tế bào con có khả năng tạo ra nhiều biến thể hơi khác nhau của kháng thể ban đầu. Thứ hai là mở rộng dòng vô tính: các tế bào con mang những biến thể có tác dụng mạnh nhất sẽ nhân lên để ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm trong cơ thể.
IAVI và Viện Scripps đã thiết kế một loại protein, eod-gt8 60mer, làm kháng nguyên đưa vào cơ thể. Protein này giống phần gắn kết với tế bào của gp120. Nghiên cứu thực nghiệm ở cả chuột và người đã chỉ ra, protein này kích thích sự tăng sinh tế bào mầm B mang một kháng thể phổ rộng, vrc01. Đây là cơ sở đầy hứa hẹn để phát triển vaccine.
Vấn đề là eod-gt8 60mer hoạt động rất chậm và thiết kế nó rất tốn kém. Đây là nơi công nghệ của Moderna giúp ích. mRNA là các phân tử hướng dẫn cho tế bào biết cách tạo ra các protein cụ thể. Thay vì mang trực tiếp eod-gt8 60mer, vaccine mRNA của Moderna mang hướng dẫn về cách tạo ra nó, và tự các tế bào trong cơ thể sẽ phụ trách khâu sản xuất. Khi eod-gt8 60mer xuất hiện và đi vào máu, nó sẽ kích thích tế bào mầm B mang vrc01phát triển.
Đây mới là giai đoạn sớm của thử nghiệm, được thiết kế để kiểm tra độ an toàn và chứng minh nguyên tắc hoạt động của vaccine. Thử nghiệm sẽ bắt đầu ở Mỹ vào cuối tháng 9, với 56 người tham gia. Các thử nghiệm ở Rwanda và Nam Phi sẽ được thực hiện ngay sau đó. (UNAIDS, cơ quan do Liên hợp quốc phụ trách chống HIV, ước tính 2/3 trong số 38 triệu người bị nhiễm virus HIV vào cuối năm 2020 là ở châu Phi.)
Dự kiến thử nghiệm ở Mỹ sẽ cho kết quả vào năm 2023. Chưa có kế hoạch cụ thể cho các giai đoạn thử nghiệm sau đó. Mark Feinberg, giám đốc IAVI, cho biết, việc phát triển vaccine HIV vẫn rất khó khăn. "Đừng nghĩ rằng chỉ vì vaccine COVID được phát triển bằng công nghệ mRNA trong vòng chưa đầy một năm, chúng ta cũng sẽ có vaccine HIV trong vòng chưa đầy một năm," Feinberg lưu ý. Tuy nhiên, nếu so với ba thập kỷ phát triển vaccine HIV thì từ nay đến năm 2023 không phải là một khoảng thời gian dài.
Nguồn: