Vào ngày 25/7/ 1865, bác sĩ quân đội người Anh nổi danh James Barry qua đời vì bệnh kiết lỵ. Di nguyện của ông là được chôn cất trong bộ quần áo mình mặc khi qua đời, không được lau rửa cơ thể. Song ước nguyện cuối cùng của người quá cố lại không được tuân theo.

James Barry (1789 - 1865).
James Barry (1789 - 1865).

Một người hầu khi tiến hành khâm liệm đã phát hiện ra một sự thật khó tin: ông bác sĩ thực ra là một phụ nữ. Sự kiện này đã gây chấn động xã hội Anh quốc thời đó.

Một số người quen của vị cố bác sĩ tỏ ra choáng váng, một số người khác tuyên bố họ luôn nghi ngờ Barry không phải là đàn ông. Hai năm sau, nhà văn Charles Dickens vẫn đặt nghi vấn: làm thế nào mà vị bác sĩ tài năng đánh lừa được nhiều người trong quãng thời gian dài như vậy “vẫn còn là điều bí ẩn”.

Thân thế thực sự


James Barry rất có thể là Margaret Ann Bulkley sinh ra ở Hạt Cork, Ireland, vào năm 1789. Gia đình Bulkley có công ty bán đồ tạp hóa làm ăn khấm khá, nhưng người con cả là Jeremiah lại chỉ thích tiêu xài hoang phí để khoe mẽ với đám bạn nhà giàu. Ông anh này đã khiến gia đình phá sản và đẩy mình vào cảnh tù tội. Sau đó, Margaret cùng mẹ đã lên đường tới London. Tại đây, mẹ bà có một người em là James Barry, một Viện sĩ và họa sĩ Hoàng gia. Hai mẹ con đã gặp bạn bè của người chú, trong đó có Tướng quân lưu vong người Venezuela Francisco de Miranda và Bá tước xứ Buchan David Steuart Erskine. Họ rất ấn tượng với cô gái Margaret trẻ tuổi và nhận thấy trí thông minh sẽ đưa cô tiến xa. Có khả năng họ đã góp phần vào việc ấp ủ kế hoạch để Margaret theo đuổi con đường học vấn. Người chú James Barry qua đời vào năm 1806, để lại cho chị gái cùng đứa cháu khoản thừa kế bất ngờ, cùng cái tên của mình.

Con đường y khoa

Ba năm sau, Margaret Bulkley không còn tồn tại. Lúc nào cũng mặc trên người chiếc áo khoác ngoài, đi đôi giày lót miếng độn dày 7cm và có giọng nói cao đặc biệt, giờ đây Margaret trở thành James Barry.

Với số tiền nhận được từ người chú, hai mẹ con lại chuyển tới Edinburgh vào năm 1809. Vào đầu thế kỷ 19, nơi đây là điểm đến cho bất kỳ ai muốn thành bác sĩ – Đại học Y Edinburgh được đánh giá là ngôi trường y khoa tốt nhất không chỉ ở Vương quốc Anh mà còn thuộc tốp đầu thế giới. Tại đây, Barry đã bắt đầu một cuộc sống mới.

Ông xin vào học trường y, thay đổi độ tuổi cho phù hợp với vẻ ngoài của chàng thanh niên. Vẻ thấp bé, thanh mảnh, giọng cao và là da nhẵn nhụi, không có râu đã khiến mọi người nghi ngờ chàng trai này chưa đủ tuổi để vào trường. Khi Barry không được phép dự thi vì điều đó, Bá tước Erskine đã can thiệp, nhờ thế Barry nhận được bằng y khoa ở độ tuổi 22.

Sau khi tốt nghiệp, ông tới London học giải phẫu, phụ sản và giải phẫu học. Ông đã vượt qua các bài kiểm tra để trở thành thành viên của Đại học Bác sĩ Hoàng gia vào mùa hè năm 1813. Từ đây, James Barry bắt đầu cuộc đời làm bác sĩ quân đội.

Sự nghiệp và cống hiến


Cuộc đời làm bác sĩ của Barry kéo dài 50 năm. Ông được phái tới nhiều tiền đồn trên khắp Đế quốc Anh, từ Nam Phi cho tới vùng Caribbean, đến Canada và gần như mọi địa điểm giữa những nơi này.

Barry được mô tả là một người nhỏ bé ưa thích những bộ trang phục nhiều màu sắc cùng các bộ tóc giả sành điệu. Vẻ ngoài này trái ngược hoàn toàn với tính tình cứng rắn và hung hăng trong công việc. Ông sẵn sàng tranh cãi với những người quyền cao chức trọng để yêu cầu cải thiện điều kiện vệ sinh và chăm sóc y tế trong những cộng đồng mà mình phục vụ.

Barry (trái) với người hầu John, và con chó Psyche, khoảng năm 1862, ở Jamaica. Nguồn: wikipedia
Barry (trái) với người hầu John, và con chó Psyche, khoảng năm 1862, ở Jamaica. Nguồn: wikipedia


Sau khi công tác tại một số chức vụ ở Chelsea (Anh) và Bệnh viện Quân đội Hoàng gia ở Plymouth, ông được thăng làm bác sĩ giảiphẫu phụ tá cho Lực lượng, tương đương với cấp bậc Trung úy. Năm 1816, Barry được cử đến Cape Town, Nam Phi, mang theo lá thư giới thiệu cho Thống đốc là Trung tướng Lord Charles Henry Somerset. Mới chân ướt chân ráo tới đây, Barry đã lấy được sự tín nhiệm của quan trên khi chữa khỏi bệnh cho cô con gái nhỏ của Thống đốc.

Sau sự kiện này, Ngài Somerset đề nghị Barry làm bác sĩ riêng, đồng thời bổ nhiệm ông vào vị trí Thanh tra y tế thuộc địa, một bước nhảy vọt về cấp bậc. Trong vòng mười năm tiếp theo, ở cương vị này, Barry đã mang lại những cải tiến cho hệ thống nước và vệ sinh của thuộc địa Cape, đồng thời cải thiện điều kiện sống của nô lệ, tù nhân, người bệnh tâm thần và người phong cùi. Chẳng hạn, ông đã mạnh tay trấn áp những người lang băm, giúp cho việc tiếp cận nước sạch đồng đều giữa người giàu và người nghèo, và đưa ra những quy tắc nghiêm ngặt về việc đối xử nhân đạo với bệnh nhân ở trại phong địa phương. Khi một người phụ nữ ở đây khó sinh, cả mẹ lẫn con sắp không qua khỏi, ông đã thực hiện một trong những ca mổ lấy thai đầu tiên trên thế giới mà cả mẹ lẫn con đều sống sót. Đứa trẻ đó được đặt theo tên vị ân nhân của mình là James Barry Munnik. Sau này ông Munnik đã lấy cái tên này đặt cho con trai đỡ đầu của mình, đó là James Barry Munnik Hertzog, Anh hùng Chiến tranh Boer và hai lần làm Thủ tướng Nam Phi.

Năm 1828, Barry được thăng cấp một lần nữa, trở thành bác sĩ của Lực lượng, và nhận lệnh tới Mauritius, một hòn đảo biệt lập ngoài khơi bờ biển Madagascar ở Ấn Độ Dương. Sau đó, ông tới Jamaica ở Caribbean. Năm 1836, ông đặt chân tới đảo Saint Helena xa xôi ở giữa Nam Đại Tây Dương, nơi Napoléon Bonaparte bị lưu đày lần thứ hai rồi sau đó qua đời.

Năm 1840, Barry được cử đến Quần đảo Leeward và Windward của Tây Ấn và được thăng tiến lần nữa, lần này là Sĩ quan y tế đứng đầu. Sau khi qua khỏi cơn sốt vàng da, vào năm 1846, ông được đưa đến Malta, một hòn đảo ở Địa Trung Hải, và thành công dập tắt đợt bùng phát dịch tả vào năm 1850.

Vào năm 1851, sau lệnh điều chuyển tới Corfu, một hòn đảo khác ở Địa Trung Hải, Barry được thăng lên làm Phó tổng Thanh tra Bệnh viện, tương đương với hàm Trung tá.

Trong Chiến tranh Krym kéo dài từ năm 1854 đến năm 1856, Barry thậm chí còn từng gặp gỡ và tranh cãi với y tá nổi tiếng Florence Nightingale, người đã mô tả ông là “sinh vật cứng đầu nhất mà tôi từng gặp”.

“Sự nghiệp của một bác sĩ quân đội”, bài báo viết năm 1910 được tìm thấy trong hồ sơ cá nhân về Bác sĩ James Barry. Nguồn: blog.nationalarchives.gov.uk
“Sự nghiệp của một bác sĩ quân đội”, bài báo viết năm 1910 được tìm thấy trong hồ sơ cá nhân về Bác sĩ James Barry. Nguồn: blog.nationalarchives.gov.uk

Năm 1857, ông được cử sang Canada và lại được thăng cấp, lần này thành Tổng thanh tra Bệnh viện, tương đương với cấp Chuẩn tướng. Tại đây, ông vẫn bền bỉ với mục tiêu cải thiện đời sống lẫn chăm sóc y tế cho cộng đồng. Barry nhấn mạnh rằng không chỉ lính Anh và gia đình của họ được cung cấp thức ăn, vệ sinh và dịch vụ y tế tốt hơn, mà cả người dân địa phương, tù nhân và người mắc bệnh phong, người nghèo và người khuyết tật cũng được hưởng quyền lợi này. Trong quá trình theo đuổi lý tưởng, không ít lần ông bị bắt vào tù, thậm chí là giáng cấp khi đối đầu với những người có địa vị cao hơn mình.

Năm 1865, bác sĩ James Barry qua đời, được chôn cất tại nghĩa trang Kensal Green, phía Tây Bắc London. Bí mật về thân thế của ông bị lan truyền ra công chúng khi các lá thư trao đổi giữa Văn phòng Đăng ký Tổng hợp và bác sĩ của Barry là Thiếu tá D. R. McKinnon bị rò rỉ. Trong những bức thư này, Thiếu tá McKinnon, người đã ký vào giấy chứng tử, nói rằng việc Bác sĩ James Barry là nam hay nữ “không phải việc của tôi” - một tuyên bố mà chính Barry có lẽ cũng đồng ý. Dù sau này có rất nhiều tranh cãi về thân phận và giới tính của Barry, song có một điều mà ta có thể chắc chắn rằng đây là một vị bác sĩ đã tận sức với lời thề Hippocrates và là một nhà hoạt động nhân đạo đi trước thời đại.