Khởi nghiệp đã trở thành một văn hóa nhưng khu vực công cần làm nhiều hơn nữa để nuôi dưỡng những công ty khởi nghiệp.

Khối tư nhân đã đóng một vai trò trung tâm trong sự thịnh vượng ngày càng tăng của Việt Nam. Ảnh: AFP
Khối tư nhân đã đóng một vai trò trung tâm trong sự thịnh vượng ngày càng tăng của Việt Nam. Ảnh: AFP

Việt Nam là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp nổi bật ở Đông Nam Á, với hơn 3.800 công ty khởi nghiệp và bốn kỳ lân (những công ty đạt định giá 1 tỷ USD). Bất chấp sự lạc quan, người ta ước tính rằng 92% trong số các công ty khởi nghiệp mới có khả năng thất bại trong vòng ba năm đầu tiên. Tỷ lệ này khá cao so với thế giới, vốn thường ở mức 75-90%.

Có thể nói, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chưa đạt đến độ chín muồi, và nhiều công ty khởi nghiệp đã chết trong giai đoạn trứng nước. Bất chấp những kỳ vọng hào nhoáng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tạo ra thay đổi đáng kể và phá vỡ nhiều lĩnh vực truyền thống, các startup mới xây dựng được một vị thế khiêm nhường trong nền kinh tế. Họ thậm chí còn không được ưa chuộng trong một số trường hợp liên quan đến khu vực công.

Một phân tích mới đây của Ngân hàng Thế giới với tên gọi “Promoting Innovative Entrepreneurship in Viet Nam: An Ecosystem Diagnostic (tạm dịch: Chẩn đoán hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam) đã cung cấp một góc nhìn toàn diện về cách các thành tố quan trọng trong hệ sinh thái tương tác với các startup giai đoạn đầu, và phần nào lý giải tại sao những “hạt giống” startup Việt chưa thể sinh sôi và thịnh vượng trên mảnh đất quê nhà. Có rất nhiều khía cạnh, nhưng khu vực công ảnh hưởng đáng kể.

Lưng chừng con dốc

“So với startup ở Singapore được chính phủ chăm nom và đưa ra các ưu đãi mời gọi, các startup ở Việt Nam dường như xa cách với khu vực công và phải tự lực cánh sinh rất nhiều”, Jane Trần, đồng sáng lập một công ty biotech mới chuyển trụ sở từ TP. Hồ Chí Minh sang Singapore, nhận xét.

Nhìn chung, Việt Nam hầu như không có hỗ trợ trực tiếp nào từ ngân sách nhà nước cho các công ty khởi nghiệp. Các hỗ trợ đều là gián tiếp và không liên quan đến “tiền tươi thóc thật”. Điều này cũng hợp lý nếu đặt trong bối cảnh chung của Việt Nam, khi các chính sách hỗ trợ tài chính thường thiên vị các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn hơn là các doanh nghiệp nội địa.

Năm 2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ra đời như một dấu mốc quan trọng với giới khởi nghiệp khi nó đề cập đến các ưu đãi thuế, tiếp cận vốn đổi mới và phát triển chuỗi giá trị cho doanh nghiệp SME mà các công ty startup là một phần trong đó. Nhưng ngân sách cho những chương trình này thường rất hạn chế. Các chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ tài chính (thường tập trung vào R&D và thương mại hóa) hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi (thường tập trung vào việc áp dụng công nghệ và mua thiết bị) cho SME đều có quy mô nhỏ, mỗi chương trình hỗ trợ tổng cộng dưới 100 dự án trong năm năm qua.

Chương trình SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có quy mô lớn hơn, hỗ trợ 1,500 doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng các khoản tài trợ (grants) của chúng cũng chỉ được cung cấp như các phiếu dịch vụ (vouchers), nghĩa là các công ty phải dùng khoản tài trợ này trên các dịch vụ mà các tổ chức trung gian như vườn ươm hoặc chương trình tăng tốc khởi nghiệp cung cấp. Startup không được cho tiền mặt để trả cho những chi phí hợp lệ của mình như trả lương nhân viên; mua sắm thiết bị, vật tư R&D; thuê dịch vụ R&D bên ngoài; trả phí bản quyền sở hữu trí tuệ; hoặc trả tiền thuê chuyên gia/cố vấn R&D.

Trong số các công ty tham gia khảo sát khởi nghiệp của Ngân hàng Thế giới, chỉ có 2% doanh nghiệp khởi nghiệp cho biết từng nhận được hỗ trợ từ chính phủ (tài trợ hoặc cho vay) trong giai đoạn đầu phát triển công ty và 7% nhận được (hoặc dự kiến nhận được) tài trợ của chính phủ trong các giai đoạn sau (ví dụ: sau khi ra mắt sản phẩm).

Theo Jena Trần, sự thiếu vắng của tài chính công thực sự tạo ra khoảng trống vốn rất lớn trong vòng đời của những startup công nghệ như chị. Nó đánh thẳng vào một trong những giai đoạn yếu ớt nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp - từ khi bắt đầu cho đến khi phát triển được sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP), trước khi các công ty khởi nghiệp có thể đảm bảo nguồn tài trợ ban đầu từ các nhà đầu tư bên ngoài. Giai đoạn này thường được gọi là “thung lũng chết” và là nguồn cơn của hơn 90% startup thất bại kể trên.

“Mặc dù luật hiện hành có thể tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhưng các quan chức nhà nước cơ bản không sẵn sàng mạo hiểm sự nghiệp. Họ sợ bị trừng phạt hoặc thậm chí ngồi tù vì lạm dụng công quỹ”, các tác giả của báo cáo Ngân hàng Thế giới nhận xét.

Trên thực tế, từ trước tới nay, các cơ quan hỗ trợ của nhà nước bị một ràng buộc tréo ngoe là không được làm “mất tiền” của chính phủ (ví dụ: hỗ trợ các dự án không thành công), ngay cả khi những dự án này có thể giải quyết những bất ổn thị trường hoặc mang lại lợi ích công cộng.

Trong buổi tổng kết của Bộ KH&CN cuối năm 2023, những người quản lý các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ nói rằng, dưới sự ràng buộc của Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước, dù tổng thể một danh mục cho vay của cơ quan hỗ trợ công lập có thành công rực rỡ thì người quản lý danh mục vẫn có khả năng đối diện với rủi ro pháp lý nếu có một dự án bất kì trong đó thất bại.

Tương tự, các viện trường sở hữu tài sản trí tuệ (IP) nói rằng họ hầu như không thể chuyển giao công nghệ một cách chính thống cho các doanh nghiệp bởi họ không dễ vượt qua rào cản định giá tài sản trí tuệ ở mức hợp lệ mà không vi phạm quy định về “thất thoát tài sản nhà nước” của Luật Ngân sách (2015).

Giới hạn bảo vệ vốn nhà nước này đang hạn chế việc hình thành mọi cơ chế vốn cổ phần của nhà nước vào công ty (bao gồm quỹ trung gian, quỹ đầu tư trực tiếp, quỹ đồng đầu tư), đồng thời ngăn cản các quỹ có nguồn tiền dồi dào như quỹ an sinh xã hội, quỹ hưu trí, quỹ KH&CN của doanh nghiệp nhà nước thực hiện các khoản đầu tư vốn rủi ro hoặc đầu tư vào các quỹ cổ phần kể trên.

Đối với nhiều chuyên gia khởi nghiệp, đây là triệu chứng của một hệ thống e ngại rủi ro, nơi mọi người sợ phạm sai lầm và tin rằng không làm thì sẽ không sai. Nó khiến cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trở nên ít hấp dẫn hơn so với các hệ sinh thái bên cạnh.

Chẳng hạn, Chính phủ Singapore sẵn sàng cấp từ 30.000 SGD cho các doanh nhân lần đầu mở công ty khởi nghiệp (grants), hoặc góp vốn ban đầu từ 250.000 - 500.000 SGD cho các công ty khởi nghiệp công nghệ (equity), trước khi tham gia vào các thương vụ đầu tư lớn với các quỹ mạo hiểm.

Các startup nói rằng Chính phủ Việt Nam càng trì hoãn thực hiện những gì đã Luật vạch ra thì họ càng vuột đi cơ hội giữ chân các công ty Việt trong nước.

Ưu đãi hạn chế

Nếu nhìn vào nơi “khai sinh” trên giấy tờ, hầu hết các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư tổ chức đều chọn đăng ký bên ngoài Việt Nam để tránh bị kiểm soát vốn và hưởng các ưu đãi thuế.

Vì các khoản đầu tư ở giai đoạn tiền hạt giống thường khá nhỏ (50.000-200.000 USD), nên để tránh các quy định pháp lý phức tạp mà Việt Nam đặt ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu các công ty mà họ đầu tư vào phải đăng ký kinh doanh ở Singapore (hoặc một nước khác có khung pháp lý dễ thở). Để nhận được vốn, các công ty khởi nghiệp Việt Nam buộc phải thay đổi quốc tịch.

Ưu đãi là một vấn đề rất đáng xem xét và phần nào lý giải tại sao công ty khởi nghiệp phải chạy ra nước ngoài. Hiện nay, các startup và doanh nghiệp SME được đối xử như tất cả các công ty khác theo chế độ doanh nghiệp, không có một sự khác biệt nào. Các công ty nắm giữ công nghệ mới có thể nhận được một số khoản giảm thuế liên quan đến R&D và phát triển phần mềm, nhưng đây là những khoản giảm không dành riêng cho startup. Vì tính chất công nghệ “mới” và “đột phá” của mình, rất ít công ty khởi nghiệp có lãi ròng đáng kể trong 3-5 năm đầu tiên để có thể cảm nhận được tác động của ưu đãi thuế, trong khi họ không thể phân bổ gánh nặng chi phí R&D đặc biệt cao của mình trong nhiều năm.

Không có miễn giảm thuế thu nhập cho các nhà đầu tư vốn mạo hiểm, mặc dù họ phải chịu rủi ro lớn. Các nước trên thế giới thường đưa ra những khoản ưu đãi thuế như thế này để thay đổi hành vi của các nhà đầu tư, khiến họ dịch chuyển từ khu vực đầu tư “an toàn” sang khu vực đầu tư có “rủi ro cao hơn” nhưng có thể góp phần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có ích cho xã hội.

Ví dụ ở Úc, các nhà đầu tư đủ điều kiện được hưởng khấu trừ thuế không hoàn lại 20% cho các khoản tiền đầu tư vào startup giai đoạn đầu, với mức khấu trừ tối đa là 200.000 AUD/năm, và miễn thuế thặng dư trên vốn đối với các khoản đầu tư nắm giữ dưới dạng cổ phần tối thiểu 12 tháng.

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2025 trong năm 2024.
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2025 trong năm 2024.

Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2023 các nhà đầu tư mạo hiểm chịu thuế trên vốn đầu tư giống như tất cả các khoản đầu tư khác, với tỷ lệ cao so với một số nước cùng ngành trong khu vực. Luật hỗ trợ SME 2018 có đề cập đến việc miễn thuế cho nhà đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng điều khoản này chưa bao giờ được đưa vào luật thuế doanh nghiệp, do vậy chưa thể triển khai thực tế.

TP.HCM là một trong những nơi tiên phong đưa ra quy định riêng về miễn thuế cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức vào tháng tám năm ngoái. Tuy nhiên vì nhiều lý do, Sở thuế thành phố không đủ thẩm quyền để giải quyết điều này. Phải đến tháng hai năm nay, khi chính phủ đưa ra một văn bản mang tính áp đặt cao hơn đối với trường hợp của TPHCM, nút thắt này mới được cải thiện. Khoa học & Phát triển hiện chưa có thông tin thực tiễn về các trường hợp được hưởng ưu đãi thuế, và sẽ xác minh trong các kỳ tính thuế tiếp theo.

Thiếu vắng khách hàng chính phủ


Đối với nhiều công ty công nghệ đã sống sót và trải qua thăng trầm, việc nhận được tài trợ hay ưu đãi của chính phủ không thực sự cần thiết. Dù các khung pháp lý có hơi ngổn ngang, nhưng họ vẫn có thể huy động vốn đầu tư mạo hiểm hoặc vốn cổ phần tư nhân. Những gì các công ty khởi nghiệp này cần là chính phủ sử dụng các công nghệ mà họ tạo ra hoặc cho phép nó có không gian sống.

Trên thực tế, có rất ít công ty khởi nghiệp Việt Nam có được hợp đồng với khu vực công. Họ thường lựa chọn phân khúc kinh doanh tới người tiêu dùng (B2C) hoặc kinh doanh tới doanh nghiệp (B2B). Thị trường B2C chủ yếu gồm các công ty sao chép lại mô hình đã có trên toàn cầu để nội địa hóa ở Việt Nam, và nhận được sự ủng hộ của các quỹ mạo hiểm nước ngoài. Điều này một phần là do các quỹ mạo hiểm trong khu vực Đông Nam Á ưu tiên chọn những mô hình kinh doanh như thế và tin rằng các công ty bắt chước có thể đạt được quy mô phù hợp tại thị trường nội địa.

Thị trường B2B kém sôi động hơn, một phần do các rào cản về văn hóa kinh doanh và thông tin. Các startup cho biết doanh nghiệp Việt Nam khá ngại rủi ro và hầu hết các tập đoàn đều chưa có lịch sử làm việc với các công ty khởi nghiệp. Nhưng ở một mức độ nào đó, họ vẫn có thể tiếp cận được các công ty tư nhân này nếu đưa ra sản phẩm và chi phí hợp lý.

Trong khi đó, các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước hầu như không muốn làm việc với các công ty khởi nghiệp. Có một số lý do cho sự “xa lánh” này, thứ nhất vì các đơn vị nhà nước lo ngại hợp đồng ký với các công ty khởi nghiệp sẽ khiến họ có nguy cơ bị truy tố vì lạm dụng công quỹ. Thứ hai vì họ không có tiền lệ làm việc với các công ty khởi nghiệp. Thứ ba vì rào cản kiến thức khi các công ty khởi nghiệp không quen nhu cầu hoặc quy trình mua sắm của khu vực công, và ngược lại, khu vực công không biết rõ các sản phẩm/dịch vụ mà các công ty khởi nghiệp có thể cung cấp.

Lấy y tế hoặc công nghệ quốc phòng làm ví dụ: vấn đề lớn nhất đối với bất kỳ công ty khởi nghiệp nào trong những lĩnh vực này không phải làthiếu tài trợ của chính phủ, mà là thiếu chính phủ với tư cách là khách hàng. Các ngành vẫn dựa vào các mối quan hệ kinh tế cũ và hệ thống mua sắm để trang bị cơ sở vật chất và phát triển công nghệ, thay vì sử dụng những mô hình mới được xây dựng bởi những người chơi nhỏ hơn, chuyên biệt hơn như các startup.

Khu vực công chỉ mua giải pháp khi nó hoàn thành 100%. Nếu một công ty khởi nghiệp hoàn thành 90% tại thời điểm đấu thầu, nó không có khả năng giành được dự án, ngay cả khi nó đang đi đúng hướng để hoàn thành sản phẩm và có thể làm tới đích nếu được trao cơ hội.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới giải thích, có một số công ty khởi nghiệp thực sự đã thành công trong việc giành được các hợp đồng của chính phủ, nhưng những hợp đồng đó phần lớn dựa trên những kết nối cá nhân hơn là thông qua đấu thầu.

Bài đăng số 1282 (số 10/2024) KH&PT