Đây là kết luận được rút ra sau khi các nhà khoa học phân tích một vũ khí đi săn 300.000 năm tuổi được tìm thấy vào năm 1994 tại Schöningen, Đức.

Hàng nghìn năm nay, con người đã sử dụng công cụ bằng gỗ với trình độ làm mộc cao. Tuy nhiên, do đặc tính của nguyên liệu hữu cơ, rất ít công cụ bằng gỗ cổ đại tồn tại đến ngày nay. Điều này khiến các nhà khảo cổ khó có thể khẳng định chắc chắn chúng được sử dụng khi nào và ra sao.

Trong một nghiên cứu mới của Đại học Reading, Anh, các nhà khoa học đã tìm hiểu một cây lao nhọn hai đầu dài dài 77cm. Đây là một trong vài công cụ được tìm thấy tại Schöningen, bên cạnh giáo phóng, giáo đâm, và một cây lao có kích cỡ tương tự. Có thể người nguyên thủy dùng lao nhọn hai đầu để săn con mồi nhỏ như thỏ và chim, hay thú cỡ vừa như hươu đỏ và hươu sao.

Cây lao nhọn hai đầu. Ảnh:  V. Minkus
Cây lao nhọn hai đầu. Ảnh: V. Minkus

Nhà khảo cổ và là tác giả chính của nghiên cứu, Annemieke Milks, cho biết: “Việc phát hiện các công cụ bằng gỗ đã làm thay đổi hoàn toàn cách hiểu của chúng ta về hành vi của người nguyên thủy. Họ cho thấy khả năng đáng ngạc nhiên trong việc lên kế hoạch trước, hiểu rõ các đặc tính của gỗ và nhiều kĩ năng làm mộc tinh vi vẫn tồn tại ngày nay.”

“Người Schöningen đã dùng một cành vân sam để tạo nên công cụ dễ cầm và hiệu quả này. Quá trình làm mộc gồm nhiều bước - chặt, bóc vỏ, đẽo thành hình dáng theo nguyên tắc khí động học, bào bề mặt, hong khô để tránh nứt và cong vênh, rồi chà nhám để cầm dễ hơn,” ông Dirk Leder - chuyên gia Khảo cổ thời kỳ đồ đá cũ và sự tiến hóa nhận thức, đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết thêm.

Việc tỉ mỉ tạo nên những vũ khí hạng nhẹ có thể đã cho phép toàn bộ cộng đồng tham gia cuộc săn, kể cả trẻ em.

Những chiếc lao như thế này có đường bay vòng giống như boomerang chứ không phải như những cây lao ngày nay, và cho phép các thợ săn phóng xa tới 30 mét. Dù là một vũ khí hạng nhẹ, nhưng nhờ được phóng đi với tốc độ cao nên nó có thể tạo ra cú va đập mạnh, giết chết con mồi.

Ngoài ra, đầu lao được vót nhọn cẩn thận và thân lao nhẵn vì cầm nhiều cho thấy nó là một công cụ được dùng nhiều lần chứ không phải làm sơ sài và bỏ đi sau cuộc săn.

Nghiên cứu miêu tả chi tiết về hình dáng và công dụng của chiếc lao được công bố trên tạp chí PLoS ONE. Chiếc lao hiện được trưng bày tại Bảo tàng Nghiên cứu ở Schöningen.

Một số công cụ săn bắn và đồ mộc nguyên thủy khác:

- Gậy đào: Một trong những dạng công cụ gỗ đầu tiên có thể gồm phần đầu vót nhọn, được dùng để đào tìm nước, rễ, củ, hoặc để xới đất trồng trọt.

- Giáo: Giáo gỗ nguyên thủy có thể được dùng trong đi săn. Những cây giáo được phát hiện ở Schöningen có niên đại gần 400.000 năm là các ví dụ về công cụ đi săn bằng gỗ cổ đại.

- Công cụ tạo lửa: Gỗ là chất liệu làm nên các công cụ tạo lửa nguyên thủy, ví dụ như bằng cách khoan tay và khoan cung.

- Gậy đập và dùi cui: Gỗ được dùng để làm ra các vũ khí hay công cụ tạo lực đập như gậy. Dùi cui có thể đã được dùng cho nhiều mục đích như báo hiệu, trong nghi lễ hoặc chế biến thức ăn.

- Mái chèo và thuyền: Các bằng chứng về thuyền hoặc ca nô gỗ được tìm thấy có niên đại hàng nghìn năm. Chiếc ca nô Pesse tìm thấy ở Hà Lan được cho là một trong những chiếc thuyền cổ đại nhất được biết đến trên thế giới.

- Phần chuôi: Tuy đá, xương và sau này là kim loại được dùng làm bộ phận chính của công cụ, gỗ vẫn được dùng làm phần tay cầm vì dễ tạo hình và dễ cầm.

Nguồn: