Quy trình do ThS Phan Nguyễn Ái Nhi và cộng sự ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, hoàn thiện, giúp thuận tiện hơn trong việc chế bản và in sách giáo khoa dạng chữ nổi.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục cho học sinh khuyết tật ở TPHCM gặp nhiều khó khăn trong quá trình dạy học. Đặc biệt là thiếu sách giáo khoa (SGK), hoặc nếu có thì chưa hoàn thiện, không đồng bộ, cập nhật chậm so với SGK phổ thông. Số lượng SGK hình và chữ nổi Braille bậc tiểu học mới chỉ đáp ứng khoảng 50%, SGK dành cho bậc phổ thông còn ít hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.

Theo ThS Phan Nguyễn Ái Nhi, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, lý do chính cho việc khan hiếm sách là thiếu nguồn nhân lực có kỹ thuật tốt và chi phí nguyên vật liệu, chi phí trang thiết bị máy móc chuyên dụng quá cao (5.500-7.500 đồng/tờ giấy ép nhiệt và khoảng 700 triệu đồng cho máy ép nhiệt và máy in chữ Braille). Hiện cả nước chỉ có Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TPHCM, Trường Phổ thông Cơ sở Nguyễn Đình Chiểu TP Hà Nội và Mái ấm Nhật Hồng (TPHCM) là có đủ máy móc, trang thiết bị để in SGK cho học sinh khiếm thị của đơn vị mình và hỗ trợ vài nơi khác. Tuy nhiên, hệ thống SGK được sản xuất, vẫn tập trung chủ yếu vào sự mô tả bằng ngôn ngữ hơn là minh họa hình nổi. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tri thức của học sinh khiếm thị, đặc biệt là ở các môn Toán, Tự nhiên và xã hội, Khoa học tự nhiên, vốn dĩ luôn đòi hỏi hình ảnh minh họa cho khái niệm, tính chất, nguyên lý và các bài tập ứng dụng.

Trước thực tế đó, nhóm tác giả ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM đã triển khai đề tài "Xây dựng quy trình thực hiện và hệ thống chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị".

Chế bản in SGK và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thịlà hệ thống các phôi, khuôn hay mẫu in gồm nhiều hình ảnh và chữ nổi được chuyển đổi trực tiếp từ SGK. Quy trình hoàn thiện chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille gồm các bước: nghiên cứu SGK và sách giáo viên; Tìm hiểu tư duy và trải nghiệm xúc giác của học sinh khiếm thị; Xác định nội dung và hình ảnh cần chuyển đổi; Thiết kế và xây dựng mẫu thử; Chuyển đổi (chuyển ngữ Braille, thiết kế hình ảnh phù hợp);…

c
Chế bản sách TNXH 1. Ảnh: NNC

Trước khi thực hiện chế bản, đội ngũ làm sách sẽ lựa chọn một số hình ảnh từ đơn giản đến phức tạp trong SGK để chuyển đổi nội dung chữ (chuyển ngữ Braille) và hình ảnh. Đội ngũ chuyển đổi có thể chọn hình và thiết kế thử nghiệm bằng các phần mềm chuyên dụng như CorelDRAW 12, sau đó cắt và tạo hình trên máy CNC, từ các nguyên vật liệu khác nhau theo những mẫu thiết kế. Dán các hình vừa được cắt lên những tờ giấy in liên tục (giấy dùng để dập chữ Braille) tạo thành các tờ chế bản mẫu và sử dụng máy Thermoform (loại máy đặc thù được dùng để sản xuất sách cho học sinh khiếm thị với loại giấy Brailon chuyên dụng) để in thành các bảng mẫu.

b
Chế bản sách Toán 2. Ảnh: NNC

Hệ thống chế bản được nhóm xây dựng gồm 42 quyển (Toán 1: 6 quyển, Tự nhiên xã hội 1: 6 quyển, Toán 2: 8 quyển, Tự nhiên xã hội2: 6 quyển, Toán 6: 9 quyển, Khoa học tự nhiên 6: 7 quyển). Các nguyên vật liệu được dùng để làm chế bản chủ yếu là giấy carton, bìa cứng và một số loại nguyên vật liệu không nóng chảy khác, để đảm bảo độ bền và độ phân lớp rõ nét của hình ảnh trên chế bản. Nhóm cũng đã cho in thử nghiệm và đóng gáy tạo thành các bộ SGK hình và chữ nổi Braille.

Thử nghiệm dùng bộ SGK tại Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TPHCM, Mái ấm Thiên Ân, Mái ấm Bừng Sáng,…các giáo viên nhận xét bộ SGK của nhóm tác giả có nhiều hình ảnh rõ nét, cân đối và to hơn so với bộ SGK cũ. Ngoài ra, kênh chữ đúng, không có lỗi chính tả, hình nổi in phân biệt rõ ràng độ nhám, độ trơn để trẻ có thể nhận biết hai, ba đối tượng khác nhau. Khi được hỏi, các em học sinh khiếm thị cũng cho rằng, bộ SGK này có hình ảnh, nội dung rõ ràng, chính xác, độ nổi cao nên dễ cảm nhận, bài học, bài tập thú vị, sinh động,…

Nhóm tác giả cũng đã thực hiện video hướng dẫn quy trình, cách làm hệ thống chế bản và điều khiển ép nhiệt tờ rời SGK hình và chữ nổi Braille. Video được đăng tải công khai cho mọi người có thể thuận tiện tham khảo tại địa chỉ www.youtube.com/watch?v=7QmXizTxHkQ.

Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt. Nhóm tác giả mong muốn, các sản phẩm gồm hình ảnh, tài liệu tập huấn, video hướng dẫn, trang thiết bị liên quan trở thành ngân hàng dữ liệu mở, để đội ngũ chuyển đổi SGK cho học sinh khiếm thị trên cả nước dễ dàng tiếp cận.