Theo một cựu kỹ sư cao cấp của Meta, công ty này chưa hành động đủ để bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi những nội dung độc hại, dù có sẵn cơ sở hạ tầng.

Russell, sống ở Harrow, phía tây bắc London, đã tự tử vào năm 2017 ở tuổi 14, sau khi xem các nội dung có hại liên quan đến tự tử, tự hại, trầm cảm và lo lắng trên Instagram và Pinterest.

Năm 2022, cuộc điều tra về cái chết của cô bé cho thấy Russell “chết vì hành động tự hại do mắc chứng trầm cảm và bị ảnh hưởng tiêu cực của nội dung trực tuyến”.

Hình minh họa. Nguồn: PA

Arturo Béjar - cựu kỹ sư và cố vấn cấp cao của Mark Zuckerberg - người đứng đầu Instagram và Facebook, cho rằng, nếu công ty học được bài học từ cái chết của Russell và cuộc điều tra thì đã phải tạo ra trải nghiệm an toàn hơn cho người dùng lứa tuổi thanh thiếu niên.

Theo nghiên cứu do Béjar thực hiện tại Instagram, trong vòng một tuần, có đến 8,4% trẻ em từ 13 đến 15 tuổi đã chứng kiến ai đó có hành vi tự hại hoặc đe dọa làm hại bản thân trên các mạng xã hội này.

Béjar cho biết Meta, tập đoàn mẹ của hai nền tảng Instagram và Facebook, có sẵn các công cụ để ngăn chặn những nội dung tiêu cực, giúp đảm bảo an toàn hơn cho thanh thiếu niên. Nhưng công ty đã chọn không thực hiện những thay đổi đó.

Nghiên cứu của Béjar tại Instagram và nỗ lực thuyết phục Meta hành động dựa trên nghiên cứu đó đã được đưa ra trong vụ kiện chống lại Meta ở bang New Mexico. Các tài liệu từ vụ kiện cho thấy các nhân viên của Meta đã cảnh báo công ty đang gần như không có thêm hành động gì sau cái chết của Russell, trong khi tình trạng nội dung độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em và công chúng.

Với tư cách là giám đốc kỹ thuật, Béjar từng giữ trách nhiệm phát triển các công cụ an toàn cho trẻ em và giúp trẻ em đối phó với nội dung có hại. Sau khi nghỉ công việc kỹ sư cấp cao tại Meta vào năm 2015, Béjar trở lại làm cố vấn vào năm 2019 trong khoảng thời gian hai năm. Anh tiến hành nghiên cứu cho thấy rằng cứ 8 trẻ em từ 13 đến 15 tuổi sử dụng Instagram thì có một trẻ nhận được những hành vi tán tỉnh tình dục không mong muốn, cứ 5 trẻ thì có một trẻ từng là nạn nhân của hành vi bắt nạt trên nền tảng này và 8% đã xem nội dung tự làm hại bản thân.

Bejar đã thúc giục Meta thực hiện một loạt thay đổi bao gồm: giúp người dùng gắn cờ nội dung không mong muốn dễ dàng hơn và nêu rõ lý do họ không muốn xem nội dung đó; thường xuyên khảo sát người dùng về trải nghiệm của họ trên các nền tảng của Meta; và giúp người dùng gửi báo cáo về trải nghiệm của họ trên các dịch vụ của Meta dễ dàng hơn.

Sau đó, Béjar tiếp tục theo dõi nền tảng Instagram và cho biết những nội dung có hại vẫn còn trên ứng dụng và cũng tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc người dùng chưa đủ tuổi vị thành niên, mặc dù Instagram giới hạn độ tuổi tối thiểu là 13.

Béjar đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ vào năm 2023, kể chi tiết về trải nghiệm của anh tại công ty và “những trải nghiệm khủng khiếp” của trẻ em trên Instagram, bao gồm cả những hành vi tán tỉnh và quấy rối tình dục không mong muốn.

Béjar cho biết thêm, sẽ mất ba tháng để Meta thực hiện một cuộc trấn áp hiệu quả đối với tất cả nội dung liên quan đến hành vi tự hại. “Họ có tất cả máy móc cần thiết để làm việc đó. Cái thực sự cần là ý chí và chính sách để tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ vị thành niên”, anh nói.

Về phía mình, Meta cho biết công ty đã giới thiệu hơn 30 công cụ và tài nguyên để hỗ trợ thanh thiếu niên và gia đình họ có được trải nghiệm trực tuyến an toàn, tích cực. Meta cũng có nhiều sáng kiến an toàn, ví dụ như tự động đặt tài khoản của trẻ dưới 16 tuổi sang chế độ riêng tư khi tham gia Instagram, hạn chế người lớn gửi tin nhắn riêng tư cho thanh thiếu niên và cho phép người dùng Instagram báo cáo những hành vi bắt nạt, quấy rối tình dục.

Nguồn: