Công trình được thực hiện gấp rút trong thời gian từ tháng 3-6/2020, trên 60 mẫu bệnh phẩm được lưu trữ tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhóm nghiên cứu trình bày quy trình và thành phẩm của đề tài nghiên cứu. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 11/6, tại Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học "Chế tạo, thẩm định chứng dương nhân tạo và đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2."

Đề tài mang tính cấp bách, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với dịch COVID-19 và chưa tìm ra phương thức điều trị hữu hiệu.

Tiến sỹ-Bác sỹ Hoàng Quốc Cường (Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài) cho biết công trình được thực hiện gấp rút trong thời gian từ tháng 3-6/2020, trên 60 mẫu bệnh phẩm được lưu trữ tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của công trình nhằm nghiên cứu chứng dương chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2; thẩm định, đánh giá chứng dương nhân tạo trong nghiên cứu theo chuẩn quốc tế; chế tạo đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2; thẩm định, đánh giá đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2.

Đây là công trình nghiên cứu và chế tạo thành công thành phẩm chẩn đoán tác nhân gây bệnh hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 đầu tiên của Việt Nam.

Ưu điểm vượt trội là thành phẩm có giá thành được so sánh chỉ bằng 2/3 giá nhập khẩu hiện nay, điều kiện bảo hành không cần môi trường phòng lạnh mà chỉ cần nhiệt độ bình thường (35-37 độ C).

Bên cạnh ý nghĩa về giảm chi phí, việc Việt Nam sản xuất được chứng dương nhân tạo còn giúp tự chủ được nguồn cung và giảm thiểu thời gian chờ đợi kết quả cho bệnh nhân.

Trong chế tạo chứng dương nhân tạo, nhóm nghiên cứu tiến hành qua 2 giai đoạn: xác định trình tự cần tổng hợp, tạo các đoạn DNA tái tổ hợp.

Tiếp đó, quy trình thẩm định, đánh giá chứng dương nhân tạo được thực hiện qua 4 bước: lập danh sách các chuỗi SARS-CoV-2 được công bố, giải trình tự chứng dương, phân tích sự tương đồng giữa các chứng dương trong nghiên cứu với các chuỗi SARS-CoV-2 được công bố, đánh giá độ chính xác các nồng độ của chứng dương.

Kết quả, chứng dương nhân tạo đạt được sự tương đồng tuyệt đối với trình tự gien E trên ngân hàng gien, không có phản ứng chéo xảy ra giữa chứng dương và các trình tự được khuyến cáo.

Đối với chế tạo đoạn mồi chẩn đoán, được dựa trên quy trình chế tạo và trình tự chuỗi do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, bao gồm 5 bước: nhập trình tự đoạn mồi, đoạn dò vào máy Dr. Oligo; máy tổng hợp tự động; tinh sạch mồi và đoạn dò; kiểm tra độ tinh sạch; kiểm tra nồng độ của mồi và đoạn dò bằng phương pháp đo mật độ quang học.

Quy trình và tiêu chuẩn thẩm định, đánh giá đoạn mồi được đánh giá theo quy trình của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Kết quả, đoạn mồi trong nghiên cứu có độ nhạy và độ tin cậy tương đồng với các sinh phẩm chẩn đoán hiện đang được Việt Nam nhập khẩu, sử dụng trong sàng lọc SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.

Các chuyên gia trong Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài như Phó Giáo sư Trần Đỗ Hùng (Đại học Y Dược Cần Thơ), Phó Giáo sư Nguyễn Đức Tuấn (Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh), Tiến sỹ Nguyễn Đăng Thoại (Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch) đều thống nhất đánh giá cao kết quả nghiên cứu cũng như tính ứng dụng và cấp thiết của đề tài.

Trước mắt, một số sản phẩm của đề tài trong tổng số 12.500 chứng dương nhân tạo, 12.500 đoạn mồi được nhóm nghiên cứu chế tạo ra sẽ được chuyển giao cho Sở Y tế Cần Thơ và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ, tiếp đó sẽ mở rộng thương mại hóa sản phẩm, cung cấp rộng rãi cho các địa chỉ y tế có nhu cầu./.