100.000 liệu trình Paxlovid sẽ được phân phối tại 9 quốc gia châu Phi cận Sahara và Lào trong một chương trình hỗ trợ thuốc kháng virus đường uống điều trị COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Chương trình do tổ chức COVID Treatment Quick Start Consortium thực hiện và đặt mục tiêu bắt đầu điều trị cho bệnh nhân ở các quốc gia này vào cuối tháng 9. Đây là một nhóm các tổ chức phi lợi nhuận, gồm Clinton Health Access Initiative, Americares và COVID Collaborative, cùng với Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina và các đối tác khác.

Nguồn cung thuốc hạn chế và chi phí cao khiến các quốc gia nghèo này chưa thể tiếp cận thuốc và các phương pháp điều trị COVID-19 trước đây.

Một thách thức khác là Paxlovid, thuốc do Pfizer phát triển, cần được bắt đầu dùng trong vòng năm ngày kể từ khi có các triệu chứng COVID-19. Thuốc được cho là có hiệu quả nhất khi sử dụng sớm. Nhưng không dễ để bệnh nhân ở các nước nghèo tiếp cận xét nghiệm. Vì thế các tổ chức hỗ trợ sẽ thực hiện song song các chương trình xét nghiệm, đầu tiên là ở những khu vực có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe hạn chế nhất.

COVID Treatment Quick Start Consortium sẽ phân phối 100.000 liệu trình thuốc kháng virus Paxlovid tại mười quốc gia.

Các tổ chức hỗ trợ có kế hoạch mở rộng chương trình sang nhiều quốc gia hơn và chuyển sang cung cấp các phiên bản thuốc rẻ hơn, dự kiến ​​sẽ có vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023. Phối hợp với Medicines Patent Pool, một tổ chức y tế công cộng tại Geneva do Liên hợp quốc hậu thuẫn, Pfizer đã đồng ý cấp phép sở hữu trí tuệ cho các nhà sản xuất thuốc khác để sản xuất thuốc cung cấp cho 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Dự kiến mức giá tối đa cho mỗi liệu trình thuốc phiên bản giá rẻ là 25 USD.

Pfizer cũng đã ký thỏa thuận với UNICEF, bảo đảm cung cấp tới 4 triệu liệu trình Paxlovid với giá phi lợi nhuận cho các quốc gia có thu nhập thấp. Nhưng việc đơn hàng này đã bị trì hoãn trong nhiều tháng để đàm phán lại các điều khoản, phát ngôn viên của UNICEF nói với trang tin Nature.

Tháng trước, UNICEF lần đầu gửi thuốc hỗ trợ đến Campuchia, nhưng là thuốc Lagevrio (molnupiravir) do Merck sản xuất. Do còn nhiều tranh cãi xung quanh tính hiệu quả và cả tính an toàn của loại thuốc này, các cơ quan y tế khuyến cáo người dùng nên sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục trong và ngay sau khi điều trị. Điều này khiến việc triển khai molnupiravir ở các nước nghèo càng khó khăn hơn.

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng lo ngại rằng sẽ ngày càng ít bên quan tâm đến việc phổ biến các phương pháp điều trị COVID-19, trong bối cảnh tỷ lệ tử vong giảm ở các nước giàu.

Nguồn: