Những hạn chế về hạ tầng, thể chế và con người đang cản trở quá trình số hoá nền kinh tế để tạo ra những phát triển đột phá.
Ngày 12/10, tại TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp cùng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội thảo quốc gia “Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam”, nhằm tìm các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các chính sách vĩ mô để khuyến khích chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Báo cáo nghiên cứu do ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Bùi Tiến Dũng, Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương thực hiện đã chỉ ra, hạ tầng đang là yếu tố đầu tiên khiến kinh tế số Việt Nam phát triển chưa đồng bộ. Nhóm nghiên cứu cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi hạ tầng viễn thông sang hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng băng rộng quốc gia, điện toán đám mây…
Đồng tình với ý kiến này, TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, hạ tầng dữ liệu - yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của dữ liệu số - cũng đang rời rạc, tồn tại trên nhiều nền tảng, vì thế nhà nước cần đóng vai trò tích hợp các nền tảng này.
Ngoài ra, theo TS Vũ, cần khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghệ nền tảng số, nhất là các nền tảng trong lĩnh vực IoT, hỗ trợ nâng cao kỹ năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận, áp dụng các công nghệ, các mô hình quản lý để họ tiếp cận được với thị trường toàn cầu. Đồng thời ưu tiên phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng trong triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tấn công mạng, phát tán mã độc, thông tin xấu độc, lừa đảo hay lợi dụng mạng để thực hiện hành vi phạm pháp luật.
Rào cản thứ 2 được các chuyên gia nhắc tới là nguồn nhân lực cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ 4.0 còn ít và chất lượng thấp. Năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp số cũng yếu; số doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu - phát triển và tham gia vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hiện nay chưa nhiều.
Để thúc đẩy kinh tế số, theo TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, còn phải có sự thay đổi về tư duy và cách làm việc của cả cơ quan quản lý lẫn người dân. Theo đó, cơ quan nhà nước phải quản lý theo hướng chuyển đổi số, đảm bảo sự liên thông của các đơn vị khi tham gia quản lý một vấn đề; người công chức phải thay đổi tư duy; còn người dân tự nâng cao trình độ, thích ứng với bối cảnh mới.
Từ góc độ người làm giáo dục, ông Lê Hoành Sử - Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM cho rằng, các cơ sở giáo dục cần đào tạo cho sinh viên về nhận thức và hình thức thái độ tích cực về chuyển đổi số và các công nghệ lõi thúc đẩy chuyển đổi số như AI, Tự động hóa, IoT, in 3D, Blockchain, Big Data,…). Quan trọng hơn, việc đào tạo này cần thực hiện ngay từ giáo dục phổ thông.
Rào cản thứ 3 đang trở thành thách thức cho sự phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam là thể chế, chính sách. Nghiên cứu của Tổ nghiên cứu Ban Kinh tế trung ương đã chỉ ra, thể chế cho các hoạt động của kinh tế số ở Việt Nam chưa hoàn thiện, hành lang pháp lý để triển khai thí điểm các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới còn chậm, nhiều văn bản pháp luật quy định hoặc có liên quan đến kinh tế số còn chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới sáng tạo. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng, phát triển các công nghệ lõi của cuộc cách mạng 4.0 cũng còn thiếu.
Trong đề xuất của mình, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nêu quan điểm, nếu Việt Nam muốn thúc đẩy kinh tế số thì có thể cân nhắc việc có thể chế đầy đủ cho TPHCM trước tiên, vì đây là đầu tàu tiên phong về chuyển đổi số trong cả nước.
Covid-19 góp phần thúc đẩy kinh tế số
Báo cáo Thực trạng chuyển đổi kinh doanh số năm 2018 của Tập đoàn IDG (Mỹ), chỉ ra, Việt Nam hiện có 55% số doanh nghiệp khởi nghiệp đã sử dụng công nghệ số để vận hành doanh nghiệp hiệu quả, trong khi đó tỷ lệ này ở khối doanh nghiệp truyền thống là 38%. Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu 34%. Lợi ích thấy rõ của số hóa là không cần phải dành không gian để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu…, tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng; tiết kiệm thời gian in ấn và sắp xếp tài liệu, tìm kiếm cũng đơn giản hơn; tăng cường an toàn khi lưu trữ khi được kết hợp với những công cụ bảo mật…
Đại dịch Covid-19 xảy ra trong thời gian vừa qua càng khiến các doanh nghiệp ý thức hơn về vai trò của chuyển đổi số bởi hiệu quả mà nó mang lại.
Theo ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc Becamex, nhờ chuyển đổi số, thời gian xử lý công việc trung bình ở doanh nghiệp này nhanh hơn 600-700% so với trước đó.
Không chỉ Becamex mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đã nhìn thấy hiệu quả của việc số hóa dữ liệu. Ông Bùi Ngọc Bình, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI chi nhánh TPHCM - doanh nghiệp cung cấp giải pháp số hoá, chuyển đổi số tại Việt Nam - tiết lộ, năm 2020, nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp tăng đột biến. “Khi Covid-19 xảy ra, lượng khách hàng tìm đến công ty chúng tôi tăng lên khoảng 300% so với năm trước,” ông Bình nói.
Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh, ước tính chỉ có khoảng 1/3 lượng dữ liệu ở Việt Nam đã được số hóa và phần còn lại vẫn nằm trên giấy. Đại diện của FSI cho rằng, đây là cơ hội để các đơn vị cung cấp giải pháp số hóa và khai thác dữ liệu tham gia vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế số.