Công ty CP Đào tạo & Truyền thông Sài Gòn cùng Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, Hiệp hội ngân hàng TP HCM, Microsoft, Cục SHTT, BIDV… tổ chức Hội thảo "Chạm vào tài sản vô hình - Nâng cao năng lực SHTT và kêu gọi vốn với doanh nghiệp SMEs khi tham gia AEC và TPP".

Tham gia vào AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) và TPP đem lại cho các SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Việt Nam rất nhiều cơ hội làm ăn mới tại những thị trường mới, lớn hơn, nhưng đồng thời nó cũng đặt ra thách thức, buộc các doanh nghiệp của chúng ta phải tìm ra được lời giải cho vấn đề huy động vốn, mở rộng đầu tư cũng như tuân thủ “luật chơi” về vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT).

Đây cũng là nhận định của Ban kinh tế Trung ương: “Nếu tham gia TPP thì phải biết về Sở hữu trí tuệ. Với Việt Nam khi hội nhập, vấn đề cấp bách nhất là tiếp cận nguồn vốn vay và thấu hiểu để áp dụng sở hữu trí tuệ đảm bảo quy tắc xuất xứ”.

Không ít doanh nghiệp Việt Nam còn khá mù mờ thông tin về vấn đề Sở hữu trí tuệ. Họ chưa nhận thức được hết vai trò quan trọng của khối tài sản vô hình này trong doanh nghiệp.

Trên thực tế, từ năm 1996, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi ngoạn: khối tài sản vô hình đang ngày càng chiếm tỉ trọng lớn so với tài sản hữu hình của doanh nghiệp. Tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được cho là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này.

Tại Hội thảo Chạm vào tài sản vô hình, đề cập tới vai trò của việc tìm hiểu, tôn trọng luật Sở hữu trí tuệ, Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, trưởng Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh - một trong những người tham gia tìm hiểu về TPP từ những ngày sơ khai - cho rằng: “Sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung quan trọng để doanh nghiệp có thể kêu gọi được vốn. Có đảm bảo được sự sáng tạo và phát triển lâu dài, tôn trọng được các nguyên tắc của sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp mới nhận được sự hỗ trợ lâu dài của ngân hàng qua các chương trình, chính sách…. Nếu không tôn trọng Sở Hữu Trí Tuệ, TPP với SMEs Việt Nam toàn bộ sẽ là thách thức vì các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động riêng lẻ, không có sự liên kết, cơ sở vật chất hạ tầng và công nghệ vẫn chưa được cập nhật đổi mới kịp thời”.

Ông Trương Văn Quang, đại diện Microsoft (ngoài cùng) cùng các doanh nhân tham gia hội thảo.
Ông Trương Văn Quang, đại diện Microsoft Việt Nam (ngoài cùng bên trái) cùng các doanh nhân tham gia hội thảo.

Đại diện Microsoft Việt Nam, ông Trương Văn Quang mang tới hội thảo các giải pháp công nghệ trong quản trị doanh nghiệp dành cho phân khúc doanh nghiệp SMEs, trong đó có dịch vụ điện toán đám mây trong quản lý dữ liệu, giảm thiểu quy trình, tiết kiệm thời gian, chi phí trong quản trị, giúp SMEs có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong nền kinh tế số.

Để giải quyết được vấn đề kết nối của doanh nghiệp SMEs, ông Lê Đức Duyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Truyền thông Sài Gòn cho rằng các doanh nghiệp nên tham gia ít nhất một Hiệp hội, Câu lạc bộ doanh nghiệp theo ngành nghề kinh doanh và hiệp hội, Câu lạc bộ liên ngành để nâng cao năng lực kết nối giao thương.

Vấn đề vốn được nhiều diễn giả tham dự hội nghị đề cập, TS Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có bài phát biểu về “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp SMEs trong điều kiện hội nhập kinh doanh quốc tế”. Trong khi đó, đại diện ngân hàng BIDV chi nhánh Củ Chi lại mang tới những thông tin về các bước thực hiện minh bạch tài chính, kêu gọi vốn thông qua chuẩn hóa thông tin tài chính doanh nghiệp, cùng các gói tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định và phát triển kinh doanh.

Ngoài ra, Hội thảo còn mở ra nhiều vấn đề dành cho các SMEs Việt Nam, bao gồm việc đưa tài sản trí tuệ vào thẩm định giá để vay vốn và huy động vốn, Quản lý và phát triển Sở hữu trí tuệ và độc quyền thương hiệu trên thị trường quốc tế và nắm bắt kiến thức về Sở hữu trí tuệ, thời gian bảo hộ tài sản trí tuệ , tài sản vô hình của doanh nghiệp…