Các nhà nghiên cứu ở Trường Y Harvard đã phát triển một phương pháp triệt sản cho mèo cái mà không cần phẫu thuật. Một mũi tiêm duy nhất trong phương pháp này có thể giúp kiểm soát số lượng mèo trên khắp toàn cầu.

Ước tính, số mèo trên thế giới đã lên đến 600 triệu, trong đó khoảng 80% được đi lại tự do. Các "thợ săn" này gây rất nhiều thiệt hại cho thế giới hoang dã. Chỉ riêng ở Mỹ, mèo nhà giết chết khoảng 1,3 đến 4 tỷ chim và khoảng 6,3 đến 22,3 tỷ động vật có vú mỗi năm. Hiện nay, phương pháp chủ yếu để triệt sản mèo đòi hỏi phải phẫu thuật để loại bỏ cơ quan sinh dục của chúng. Thủ thuật xâm lấn này khiến mèo có nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết và phải mất từ 7-10 ngày mới hồi phục.

Các nhà nghiên cứu hi vọng mũi tiêm trong tương lai sẽ là phương pháp thay thế nhanh chóng và an toàn hơn cho việc triệt sản mèo bằng phẫu thuật.Ảnh: Christopher Furlong
Các nhà nghiên cứu hi vọng mũi tiêm trong tương lai sẽ là phương pháp thay thế nhanh chóng và an toàn hơn cho việc triệt sản mèo bằng phẫu thuật. Ảnh: Christopher Furlong

Phẫu thuật triệt sản cũng gây căng thẳng và tốn kém, đặc biệt là với mèo hoang vì ta sẽ cần bắt con vật để mang đến cơ sở phẫu thuật, thực hiện thủ thuật, rồi giữ chúng qua đêm để theo dõi trước khi thả ra. Trong khi đó, một mũi tiêm đơn giản cho phép việc bắt, tiêm và thả lại ngay lập tức.

Ngoài ra, vì phẫu thuật cần chuyên gia thực hiện, cho nên tiến độ chậm do thiếu bác sĩ thú y. Tình trạng quá tải ở các trạm cứu hộ còn làm tăng tỷ lệ tiêu hủy động vật. Trong khi đó biện pháp tiêm chỉ cần một kĩ thuật viên được đào tạo căn bản để chích một mũi tiêm mà thôi.

Trong nghiên cứu, 6 mèo cái được tiêm vào cơ đùi. Mũi tiêm đưa vào cơ thể một loại virus chứa vật chất di truyền cần thiết, còn phần gây bệnh đã được loại bỏ. DNA sẽ khiến cơ bắp của mèo sản xuất một loại protein gọi là hormone kháng Müller, cho đến khi lượng hormone này tăng lên 100 đến 1.000 lần mức bình thường. Điều này khiến buồng trứng không phát triển để rụng trứng nữa.

Để kiểm tra độ hữu hiệu của mũi tiêm, sau 8 và 20 tháng tiêm cho mèo cái, các nhà nghiên cứu đã thiết kế thí nghiệm phối giống với mèo đực kéo dài 2 và 4 tháng. Họ nhốt chung 9 mèo cái và 1 mèo đực đã từng phối giống trước đây, và theo dõi tương tác giao phối của chúng qua video. Trong cả hai thí nghiệm, 3 con mèo thuộc nhóm kiểm soát đều thụ thai và sinh ra mèo con khỏe mạnh. Còn trong số 6 con mèo được tiêm, 2 con đã giao phối với mèo đực nhưng không con nào mang thai.

Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ cần nghiên cứu trên số lượng lớn hơn để xác định độ an toàn cũng như tính hữu dụng và thời gian ảnh hưởng của phương pháp này.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.