Bài báo mô tả dữ liệu (Data Descriptors hay Data Article) là một dạng bài báo khoa học mới, nhằm chia sẻ thông tin chi tiết về một bộ dữ liệu, bao gồm cả phương pháp thu thập và xử lý. Thời gian vừa qua, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố 6 bộ dữ liệu về các vấn đề xã hội trong đại dịch COVID-19 dưới dạng bài báo này.

Các tạp chí công bố dạng bài báo mô tả dữ liệu đều là các tạp chí mới và mở hoàn toàn. Họ ủng hộ việc chia sẻ và tái sử dụng các bộ dữ liệu, tạo ra sự minh bạch trong khoa học. Scientific Data [2019 JIF = 5.541; 2019 CiteScore = 8.4], Data [ESCI; 2019 CiteScore = 2.1], Data in Brief [ESCI; 2019 CiteScore = 1.5] là một số các tạp chí về chia sẻ dữ liệu đáng chú ý.

Bảng dưới đây tổng hợp các bộ dữ liệu về các vấn đề xã hội tại Việt Nam trong đại dịch COVID-19 mà tác giả đã tìm thấy dựa trên dữ liệu SSHPA (URL: https://sshpa.com/):

Tên bài báo

Chủ đề

Mẫu

Ref

Data for understanding the risk perception of COVID-19 from Vietnamese sample

Kinh tế xã hội, sự chú ý của truyền thông và nhận thức về rủi ro của COVID-19 tại Việt Nam

319 người Việt Nam độ tuổi từ 15-47.

[1]

Impact of the COVID-19 pandemic on perceptions and behaviors of university students in Vietnam

Hành vi, nhận thức, sự nhạy cảm của sinh viên đối với khủng hoảng COVID-19

440 sinh viên đại học.

[2]

Dataset of ex-pat teachers in Southeast Asia's intention to leave due to the COVID-19 pandemic

Ý định, nhận thức và mức độ gắn bó của giáo viên nhập cư tại các nước Đông Nam Á

307 giáo viên thuộc các nước Đông Nam Á.

[3]

Dataset of Vietnamese teachers’ perspectives and perceived support during the COVID-19 pandemic

Quản lý giáo dục và sự hài lòng của giáo viên trong đại dịch COVID-19.

294 giảng viên Việt Nam.

[4]

Dataset of Vietnamese student's learning habits during COVID-19

Thói quen học tập của học sinh Việt Nam trong thời gian học online do virus COVID-19

460 bạn học sinh từ lớp 6 đến lớp 12.

[5]

Impact of female students’ perceptions on behavioral intention to use video conferencing tools in COVID-19: Data of Vietnam
Ý định và mục tiêu sử dụng công cụ hỗ trợ học tập online trong đại dịch COVID-19
254 sinh viên nữ tại Việt Nam.
[6]

Các bài báo nêu trên - do nhiều đơn vị nghiên cứu đóng góp như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hay Trường Đại học Lao động Xã hội - đều được công bố trên tạp chí Data in Brief của nhà xuất bản Elsevier. Điều này có thể xuất phát từ chính sách bình duyệt nhanh liên quan tới các bài viết về COVID-19 mà tạp chí áp dụng. Bên cạnh đó, quá trình bình duyệt đối với loại bài báo mô tả cấu trúc logic và phương pháp thu thập dữ liệu cũng có thể khác so với bài công bố kết quả nghiên cứu gốc.

Theo Data in Brief, quá trình phản biện của tạp chí tập trung vào tính minh bạch của dữ liệu, với các tiêu chí cụ thể như:

• Phần mô tả dữ liệu có hợp lý không;
• Tác giả có giải thích rõ tính khả dụng của bộ dữ liệu với cộng đồng không;
• Quá trình thu thập dữ liệu có đảm bảo không;
• Định dạng dữ liệu có đủ tiêu chuẩn (dễ dàng tái sử dụng) không;
• Dữ liệu có được báo cáo đầy đủ không.


Giáo viên của iSchool Hà Tĩnh trong một tiết dạy học online. Ảnh: nhg.vn

Có đến 5/6 bộ dữ liệu kể trên điều tra các đối tượng trong ngành giáo dục như sinh viên hay giáo viên.

Giáo viên và học sinh là những người phải thay đổi và thích nghi với cách ly xã hội rõ nét nhất khi buộc phải chuyển sang hình thức học online. Có khá nhiều bỡ ngỡ khi phát sinh nhiều khó khăn về mặt công nghệ hay cơ sở vật chất, tuy nhiên đây cũng là cơ hội giúp học sinh, sinh viên, giáo viên tiếp cận các công nghệ mới và tăng cường sự tham gia của phụ huynh vào quá trình học tập của con em mình.

Dù các bộ dữ liệu đều có mẫu nhỏ: ít nhất là 254 người trả lời [6] và nhiều nhất là 460 [5], nhưng các bộ dữ liệu này đều bổ sung các tài nguyên cần thiết để tạo tiền đề đánh giá về nhận thức và hành vi của học sinh, sinh viên Việt Nam trong đợt dịch [2, 5, 6], hay tác động của đại dịch tới của giảng viên [5, 6] tại Việt Nam.

Cộng đồng khoa học thế giới đang kêu gọi sự minh bạch hóa trong dữ liệu khoa học ngày một mạnh mẽ hơn. Thậm chí, các quy trình thực hiện nghiên cứu hay quá trình phản biện cũng được đòi hỏi phải mở hơn nữa. Vì vậy, các đóng góp về dữ liệu này là cần thiết để kịp thời cung cấp thêm tài nguyên cho cộng đồng nghiên cứu xã hội, hưởng ứng minh bạch hóa khoa học tại Việt Nam.

Tham khảo:

[1] Huynh, T. L. (2020) Data for understanding the risk perception of COVID-19 from Vietnamese sample. Data in Brief. doi: https://doi.org/10.1016/j.dib.2020.105530

[2] Nguyen, V. D., Pham, H. G., Nguyen, N. D (2020). Impact of the COVID-19 pandemic on perceptions and behaviors of university students in Vietnam. Data in Brief. doi: https://doi.org/10.1016/j.dib.2020.105880

[3] Hoang, A. D., Ta, N. T. et al (2020). Dataset of ex-pat teachers in Southeast Asia's intention to leave due to the COVID-19 pandemic. Data in Brief. doi: https://doi.org/10.1016/j.dib.2020.105913

[4] Vu, C. T., Hoang, A. D. et al (2020). Dataset of Vietnamese teachers’ perspectives and perceived support during the COVID-19 pandemic. Data in Brief. doi: https://doi.org/10.1016/j.dib.2020.105788

[5] Tran, T., Hoang, A. D. et al (2020). Dataset of Vietnamese student's learning habits during COVID-19. Data in Brief. doi: https://doi.org/10.1016/j.dib.2020.105682

[6] Bui, T. H, Luong, D. H. et al (2020). Impact of female students’ perceptions on behavioral intention to use video conferencing tools in COVID-19: Data of Vietnam. Data in Brief. doi: https://doi.org/10.1016/j.dib.2020.106142