Ngày hôm nay thật khó để viết về Paul Giran, người cách đây 118 năm đã xuất bản một công trình đầy tính phân biệt chủng tộc, gây nên đồng loạt sự phản đối, tức giận khi được dịch sang tiếng Việt vào năm 2019, đó là Tâm lý người An Nam. Tuy nhiên, xin đừng vội đánh giá ông chỉ trong một cuốn sách, lại là cuốn sách đầu tay.
Tâm lý người An Nam được viết vào năm 1904, khi ông mới sang Việt Nam làm việc 5 năm. So sánh với nó thì thấy một công trình khác mà ông xuất bản vào năm 1912, được dịch sang tiếng Việt dưới tiêu đề Phù thuật và tín ngưỡng An Nam: nhập môn triết học văn minh của người An Nam, quả thật đã có sự thay đổi. Cuốn sách này khảo sát tôn giáo – tín ngưỡng nhằm tìm hiểu tư duy đặc thù của người Việt Nam, thứ định hình những thiết chế lâu đời của xã hội. Sách gồm ba quyển, hay ba phần: 1) Những khái niệm siêu hình đầu tiên của người An Nam và nguồn gốc của chúng, 2) Pháp thuật, 3) Tôn giáo.
Sự thay đổi của Paul Giran về phương pháp đồng thời về thái độ được tìm thấy rõ nhất trong phần thứ nhất của cuốn sách, tới mức một nhà nghiên cứu có khuynh hướng phân biệt chủng tộc là Gustave le Bon trách cứ ông không đưa ra những kết luận nhằm giúp ích công cuộc khai thác thuộc địa. Đối lập với thái độ của le Bon, ông tự nêu lên mệnh lệnh khi nghiên cứu xứ sở này: “Hãy rũ bỏ nền văn minh hiện đại để “khoác lên mình bộ da” của người Á Châu già nua mà chúng ta muốn tìm hiểu. Chỉ như thế chúng ta mới có thể nắm bắt được dòng tư tưởng hoàn hảo nở rộ trong các bộ óc An Nam” (trang 19).
Sách do Hiệu Constant dịch, Phan Cẩm Thượng hiệu đính và giới thiệu, Nhã Nam & NXB Thế giới ấn hành năm 2020, 410 trang. Ảnh: NN
Trong Tâm lý người An Nam, ông nêu giả thuyết về một nguyên lý nhất quán cho những biểu hiện đa dạng và đặc thù của cộng đồng bản địa: tôn giáo, tín ngưỡng của họ - tuy nhiên, giả thuyết đó đã không được triển khai mạch lạc trong một khung lý thuyết. Ông hẳn không hài lòng vì sự vắng mặt một khung lý thuyết cho nên đã cố khỏa lấp trong công trình ra đời tám năm sau. Lý thuyết ông dùng trong Phù thuật và tín ngưỡng An Nam là của nhà xã hội học Emile Durkheim trong luận án tiến sĩ xuất bản năm 1893, Bàn về sự phân công lao động trong xã hội. Lựa chọn này đồng nghĩa ông chấp nhận một thay đổi lớn về phương pháp và về thái độ, trước hết với hai quy tắc chính. Một là, ông cần để sang một bên những hiểu biết nơi những công trình đi trước, nhằm cấu tạo lại từ đầu hiểu biết của bản thân về hiện tượng được xét. Chẳng hạn, trong Tâm lý người An Nam, ông đã xét xã hội Việt Nam theo khuôn mẫu của loại hình xã hội từng tồn tại trước đây ở phương Tây là các thành thị cổ đại Hy Lạp và La Mã, rồi áp dụng quy luật tiến hóa của sự sở hữu đất đai của loại hình thứ nhất cho loại hình thứ hai. Tình trạng đó, ngược lại, trong Phù thuật và tín ngưỡng An Nam, không xuất hiện. Quy tắc thứ hai là ông cần quan sát kỹ hiện tượng, từ đó thu hẹp phạm vi khảo sát vào một thói quen tập thể có thể được nghiên cứu một cách khách quan như các quy tắc luân lý và pháp luật, ngạn ngữ dân gian, v.v.
Khó khăn về phương pháp dù vậy chưa buông tha cho Paul Giran. Trước lúc nghiên cứu đối tượng đã lựa chọn là ngạn ngữ dân gian, ông phải xác định loại hình xã hội của Việt Nam. Bởi vì không thể tồn tại hiện tượng xã hội một cách trừu tượng, trong chân không. Durkheim, trong công trình năm 1893, phân xã hội loài người làm hai loại hình cơ bản nhất: xã hội nguyên thủy và xã hội hiện đại. Phân loại của Durkheim - do nhiều nguyên nhân, chắc chắn không đủ, bản thân ông biết điều đó - đẩy Paul Giran vào thế phải lựa chọn. Ông hoặc phải bóp méo hiện thực Việt Nam cho vừa phân loại của Durkheim, hoặc phải đi đường vòng. Cách thứ hai được thực hiện. “Tôi không hề có ý nói rằng người An Nam là một tộc người nguyên thủy, theo mọi ý nghĩa của từ này. Nền văn minh của họ đã đạt đến một mức độ khá cao” (trang 25). Hai câu của Paul Giran có thể hiểu theo ít nhất ba cách: 1) Việt Nam hoặc là một loại xã hội trung gian giữa nguyên thủy và hiện đại, 2) hoặc nằm trong một loại hình mà phân loại của Durkheim chưa làm rõ, 3) hoặc không phù hợp với cách phân loại ấy. Ông nghiêng về cách hiểu thứ hai: “nhưng dẫu vậy, họ [người Việt Nam], vẫn lưu giữ một số thói quen suy nghĩ chỉ thuộc về tư duy hoang sơ, nhất là trong các tầng lớp thấp chiếm đại đa số dân chúng” (trang 25).
Trong Phù thuật và tín ngưỡng người An Nam, ông lấy lại giả thuyết trong Tâm lý người An Nam, rằng tư duy đặc thù của người Việt Nam là tư duy tôn giáo. Theo xã hội học của Durkheim, tư duy tôn giáo không mang tính thần bí, mà là loại tư duy đặc thù của con người sống trong một loại hình xã hội đặc thù, xã hội nguyên thủy. Paul Giran cho rằng tư duy đặc thù của con người trong xã hội nguyên thủy là phần vẫn còn lại tới bấy giờ của tư duy người Việt Nam, có thể coi là phần cặn, được tìm thấy trong thói quen tập thể của các tầng lớp thấp, chiếm đa số dân chúng và được kết tinh trong ngạn ngữ dân gian, hiện tượng có thể được nghiên cứu khách quan. Cách giải quyết của Paul Giran thực đặc thù cho loại tư duy logic hình thức: chia một bài toán khó thành nhiều bài toán dễ rồi làm trước những bài dễ nhất. Điểm này có ý nghĩa ở chỗ ông hiểu rõ giới hạn của bản thân ông với tư cách một nhà nghiên cứu chưa thể biết hết về xã hội ông đang tìm hiểu. Xã hội đó không phải một tình trạng thấp kém hơn từng tồn tại trong lịch sử của phương Tây như những đồng nghiệp của ông đã cố gắng thuần hóa, và do đó một thái độ phân biệt chủng tộc là không thể chấp nhận được. Ông dù chưa biết hết về xã hội đó, vẫn không cố gắng bóp méo chúng theo khuôn mẫu đã có sẵn, mà cố gắng giới hạn chỉ xét những phần mình có thể biết một cách chắc chắn. Thái độ và phương pháp này là của một người tôn trọng sự đa dạng của xã hội bản địa, tuyệt nhiên không thể được tìm thấy nơi những người thực dân có đầu óc phân biệt chủng tộc.
Tới bước này, khó khăn đối với Paul Giran đã qua đi, để ông bắt đầu khảo sát, với những kết luận sắc sảo. “Một thế giới quan [của người Việt], ông viết, hoàn toàn riêng biệt, rất lờ mờ, rất bất định, nơi mà giữa con người và sự vật không còn tồn tại bất kỳ sự phân biệt cốt yếu nào, bất kỳ sự tách biệt thực sự nào” (trang 25). Sự sống như vậy là phổ quát, giống hệt nhau ở mọi loài sinh vật, từ con người tới động vật, thực vật, đồ vật. Kết luận của ông có thể được tham khảo thêm, ngoài nguồn văn học dân gian là đối tượng khảo sát của Paul Giran, trong sản phẩm tinh thần thần đặc thù của tầng lớp trí thức đầu thế kỷ XX là tiểu thuyết. Đồng loạt ba nhà văn Thế Lữ với Trại Bồ Tùng Linh (1940), TchyA Đái Đức Tuấn với Thần hổ (1937) và Ai hát giữa rừng khuya (1942), và Nguyễn Tuân với Chùa đàn (1946) một cách không ý thức đều viết về thế giới quan mà Paul Giran miêu tả.
Các kết luận đặc sắc như trên không hiếm trong công trình của ông, dù chưa được chứng minh chắc chắn. Tác giả của nó, lúc đối diện khó khăn, đã thực sự cố gắng thay đổi cả phương pháp lẫn thái độ. Biện hộ cho ông là để đề xuất một cách nhìn khác về giới học giả nước ngoài nghiên cứu Việt Nam: họ không chỉ hoặc có khuynh hướng thực dân, phân biệt chủng tộc, hoặc tôn trọng xã hội bản địa, mà có thể gồm những người nỗ lực đi từ trạng thái thứ nhất tới trạng thái thứ hai.
Tài liệu tham khảo:
Emile Durkheim, Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Đinh Hồng Phúc dịch, Trần Hữu Quang giới thiệu, Hà Nội, NXB Tri thức, 2012.
Emile Durkheim, “The rules of sociological method” and selected texts on sociology and it’s method , London & Basingstoke: Macmillan press, 1982.
Emile Durkheim, The division of labour in society, Hampshire: Palgrave Macmillan, 2013.