Các dự án đều hướng đến bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hoá - lịch sử như nghệ thuật kẻ mặt nạ Tuồng Huế, tư liệu về văn hóa Quảng Nam, di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam v.v.

Nghệ thuật tuồng Huế đã trải qua ba thế kỷ phát triển trong dòng truyền thống văn hóa Phú Xuân và phát triển rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn.
Nghệ thuật tuồng Huế đã trải qua ba thế kỷ phát triển trong dòng truyền thống văn hóa Phú Xuân và phát triển rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn. Trong ảnh, các nghệ sĩ đang trình diễn trích đoạn tuồng cổ trong khuôn khổ chương trình "Ngàn xưa âm vọng" do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức vào năm 2022 để tôn vinh di sản tuồng Huế. Ảnh: VGP

Năm 2020, trong một hội thảo nhỏ, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup VINIF – cho biết, từ năm 2021, Quỹ dự định triển khai chương trình tài trợ các dự án và hội thảo về văn hóa, lịch sử. Ngay sau đó, Quỹ đã mở mới chương trình Lưu giữ các giá trị Văn hóa - Lịch sử năm 2021 và tài trợ cho ba dự án văn hóa.

Quỹ cho biết tiêu chí tài trợ của họ bao gồm nhưng không giới hạn các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian; di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các tài sản tinh thần hoặc vật chất do lịch sử để lại.

Tiếp nối chuỗi tài trợ thường niên, ngày 16/1 vừa qua, Quỹ VINIF đã công bố kết quả xét duyệt các dự án khoa học - công nghệ, văn hóa - lịch sử được tài trợ và các học viên, nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ được nhận học bổng trong năm 2023. Trải qua các vòng đánh giá, Hội đồng xét duyệt đã chọn tám dự án văn - hóa lịch sử để tài trợ, nâng tổng số dự án văn hoá lịch sử được tài trợ từ trước đến nay lên 16.

Dưới đây là thông tin về tám dự án văn hoá lịch sử do VINIF tài trợ năm 2023:

1. Nghiên cứu niên đại của các kiến trúc cổ tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê: góp phần nâng cao giá trị lịch sử và công tác bảo tồn di tích

Đồng chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng và TS. Lưu Anh Tuyên
Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Duy Tân

Nghiên cứu về niên đại của các di tích cổ đã được khai quật tại nơi đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải mã những bí ẩn lịch sử gắn liền với sự tồn tại và biến mất của nền văn hoá bản địa cũng như hình thái xã hội của nhà nước Phù Nam cổ xưa.

Nghiên cứu góp phần nâng cao giá trị bảo tồn cho khu di tích, hướng tới việc đưa Óc Eo – Ba Thê trở thành di sản thế giới được UNESCO công nhận, góp phần nâng cao giá trị lịch sử cũng như công tác bảo tồn của di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê nói riêng, các di tích lịch sử tại Việt Nam nói chung.

2. Phục hồi và truyền dạy nghệ thuật kẻ mặt nạ Tuồng Huế - loại hình nghệ thuật Truyền thống đang có nguy cơ thất truyền cao

Chủ nhiệm dự án: ThS. Lê Mai Phương
Tổ chức chủ trì: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Dự án nhằm tổ chức đào tạo và truyền dạy cho nghệ sỹ, diễn viên nắm bắt, kế thừa trình tự kỹ thuật và cách thức kẻ mặt nạ Tuồng Huế. Khóa truyền dạy sẽ giúp học viên nâng cao kinh nghiệm, tay nghề, bổ sung kiến thức về ý nghĩa đặc trưng của từng họa tiết hoa văn, từng mặt nạ để thể hiện đúng bản chất, thần thái của nhân vật.

Sản phẩm của học viên sau khi hoàn thành, sẽ xây dựng thành một không gian trưng bày. Đây vừa là điểm tham quan, vừa là không gian giới thiệu quảng bá nghệ thuật Tuồng, đưa Tuồng đến gần hơn với công chúng, qua đó, lan tỏa văn hóa Việt Nam nói chung và nghệ thuật Tuồng Huế nói riêng.

3. Quảng Nam tỉnh tạp biên với vấn đề văn hóa gia tộc và dòng họ truyền thống

Chủ nhiệm dự án: TS. Trần Đình Hằng
Tổ chức chủ trì: Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế

Quảng Nam tỉnh tạp biên là nguồn dữ liệu bậc một đặc biệt quan trọng. Đây là tổng tập từ những báo cáo, sao lục có liên quan đến di sản sắc phong thần, sắc phong các quan viên, các loại công văn, đơn từ, gia phả, câu đối, hoành phi... ở Quảng Nam thời Nguyễn, được bộ Lễ tập hợp lại, được các học giả người Pháp, người Việt sưu tầm, sao lục từ đầu thế kỷ XX. Tất cả, chứa đựng nhiều thông tin tư liệu quý giá về văn hóa Quảng Nam nhìn từ gia tộc và làng xã.

Công trình này sẽ là dữ liệu cơ sở duy nhất làm căn cứ để tái hiện, phục hồi di sản văn hóa gia tộc và làng xã truyền thống xứ Quảng.

4. Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ Miền núi Phía Bắc Việt Nam

Chủ nhiệm dự án: TS. Hà Hữu Nga
Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Dự án góp phần trả lời các câu hỏi còn bỏ ngỏ và các đề xuất bảo tồn, phát huy đối với di sản chạm khắc đá cổ Miền núi Phía Bắc. Trong đó có những kiến nghị liên quan đến lĩnh vực kinh tế du lịch, kinh tế học di sản, đặc biệt là đối với sự phát triển của cộng đồng các Dân tộc thiểu số ở những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh như Sapa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Xín Mần, Đồng Văn (Hà Giang).

5. Nghiên cứu bảo tồn tri thức sử dụng thực vật của người Cơ Tu tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế

Chủ nhiệm dự án: TS. Lưu Đàm Ngọc Anh
Tổ chức chủ trì: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Những sản phẩm của Dự án, bao gồm bộ mẫu vật, kịch bản trưng bày, không gian trưng bày sẽ bảo đảm phục vụ công tác thuyết minh diễn giải các giá trị di sản của người Cơ Tu theo mô hình bảo tàng thiên nhiên văn hóa, kết hợp cùng phương thức trưng bày hiện đại phục vụ giáo dục truyền thông, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng người Cơ tu tại Việt Nam.

6. Bảo tồn di sản điện ảnh thông qua phục chế thí điểm phim truyện nhựa kinh điển Việt Nam

Chủ nhiệm dự án: Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp
Tổ chức chủ trì: Công ty TNHH Ơ kìa Hà Nội

Đây là dự án bảo tồn bằng hành động cụ thể là phục chế phim nhựa và số hoá chất lượng cao với mong muốn thiết lập và chuẩn hoá quy trình phục chế - số hoá di sản điện ảnh. Dự án thiết thực bảo vệ một di sản đang rơi vào tình trạng khẩn cấp, có nguy cơ huỷ hoại cao. Thông qua dự án thì công chúng yêu phim trong nước và quốc tế được tiếp cận với vẻ đẹp nguyên gốc của di sản điện ảnh Việt Nam.

7. Lịch sử chữ viết hệ Latinh của tiếng Bahnar với việc nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc

Chủ nhiệm dự án: TS. Phạm Thị Kiều Ly
Tổ chức chủ trì: Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội

Dự án nhằm sưu tầm khảo cứu tài liệu in bằng tiếng Bahnar tại các phông lưu trữ ở châu Âu (Pháp, Vatican) và Việt Nam. Dự án cũng nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử của người Bahnar thông qua các văn bản bằng tiếng Bahnar, Pháp, Việt.

Ngoài việc công bố khoa học về Lịch sử chữ viết cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử, dự án này còn xây dựng dữ liệu phác thảo của họa sĩ về khung cảnh, đời sống xã hội, phong tục của Tây Nguyên theo tiến trình thời gian; ngoài ra chúng tôi cũng hướng tới phổ biến tri thức về Lịch sử chữ viết và văn hóa Bahnar tới cộng đồng thông qua xuất bản truyện tranh bằng cả tiếng Việt và tiếng Bahnar.

8. Vietnam Symphony: Xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa nhằm lưu giữ và phát huy giá trị các tác phẩm của Dòng âm nhạc hàn lâm Việt Nam

Đồng chủ nhiệm dự án: TS. Lê Y Linh, Nhạc trưởng Lê Phi Phi, TS. Vũ Thị Minh Hương
Tổ chức chủ trì: Trung tâm lưu trữ Quốc gia III

Sưu tầm, thống kê, phân loại và số hóa tổng phổ các tác phẩm âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Kho tổng phổ được số hóa sẽ tạo điều kiện cho các dàn nhạc biểu diễn và thu thanh, Dòng âm nhạc hàn lâm Việt Nam sẽ có thể khẳng định vị trí của mình trên bản đồ âm nhạc thế giới trong lĩnh vực này bên cạnh dòng âm nhạc dân gian truyền thống. Đây là một việc làm quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với Lịch sử âm nhạc Việt Nam.