Hình tượng con rồng đã xuất hiện độc lập trong nghệ thuật, thần thoại và văn hóa dân gian của nhiều nền văn hóa và văn minh trong suốt chiều dài lịch sử.

Hình ảnh rồng phổ biến tại một số quốc gia châu Á. Ảnh: EyeEm
Hình ảnh rồng phổ biến tại một số quốc gia châu Á. Ảnh: EyeEm

Thuật ngữ “dragon” (rồng) lần đầu tiên xuất hiện trong tiếng Anh vào thế kỷ 13, bắt nguồn từ thuật ngữ “dracōnis” trong tiếng Latin và “drakōns” trong tiếng Hy Lạp.

Một trong những hình tượng sớm nhất về rồng được mô tả như những con rắn khổng lồ trong thần thoại vùng Cận Đông thời cổ đại, đặc biệt là trong nghệ thuật và văn học ở Lưỡng Hà, nơi chúng xuất hiện trong sử thi sáng tạo Enuma Elish từ cuối thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

Những sinh vật khác mang hình dạng của rồng như Bašmu và ušumgal cũng xuất hiện trong các văn bản từ thời kỳ Akkadia, trong đó nổi bật nhất là Mušmaḫḫū – tên gọi mang ý nghĩa là “con rắn màu đỏ”, hoặc “con rắn hung dữ. Sinh vật này được miêu tả trên Cổng Ishtar dẫn vào trung tâmthành phố Babylonnổi tiếng.

Trong thần thoại Ai Cập cổ đại, Apep hoặc Apophis là một sinh vật khổng lồ có hình dạng giống con rắn, cư ngụ trong cõi chết hoặc dưới đường chân trời. Nó là hiện thâncủabóng tối,sự hỗn loạn, và xuất hiện lần đầu tiên trong các tài liệu thuộc Vương triều thứ 8 (từ năm 2181 trước Công nguyên đến năm 2160 trước Công nguyên). Apep là kẻ thù của thần Ra (thần Mặt trời) cùng với nữ thần công lý và sự thật Ma’at.

Nehebkau là một con rắn khổng lồ khác bảo vệ Duat [cõi âm trong thần thoại Ai Cập] và hỗ trợ Ra trong trận chiến chống lại Apep. Mặc dù ban đầu được coi là một ác thần, Nehebkau dần chuyển hóa thành một vị thần gắn liền với thế giới bên kia, trở thành một trong 42 giám định viên của nữ thần Ma’at, chịu trách nhiệm phán xét con người sau khi chết.

Cuốn sách “The Enigmatic Book of the Netherworld” (Bí ẩn về thế giới bên kia), một văn bản tang lễ của người Ai Cập cổ đại được tìm thấy trong lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun mô tả Ouroboros – một biểu tượng cổ xưa với hình ảnh một con rồng đang tự nuốt đuôi mình. Biểu tượng này vẫn tồn tại ở Ai Cập cho đến thời kỳ La Mã, khi nó thường xuyên xuất hiện trên các lá bùa phép thuật.

Hình tượng rồng phương Tây hiện đại. Ảnh: Wizardingworld
Hình tượng rồng phương Tây hiện đại. Ảnh: Wizardingworld

Trong khi đó ở văn học Ba Tư, những con rồng như Aži Dahāka là hiện thân của tội lỗi và lòng tham, cần phải chế ngự để đạt được giác ngộ tâm linh.

Rồng cũng đóng một vai trò quan trọng trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, thường sở hữu nọc độc chết người và có khả năng phun lửa. Nhiều anh hùng Hy Lạp đã chiến đấu hoặc chạm trán với những con rồng. Heracles giết chết Lernaean Hydra, Jason đánh thuốc mê một con rồng đang bảo vệ Bộ Lông Cừu Vàng, Zeus chiến đấu với quái vật Typhon và Cadmus chiến đấu với con rồng Ares.

Người La Mã không mấy quan tâm đến việc phát triển các truyền thuyết mới về rồng. Thay vào đó, họ chủ yếu điều chỉnh thần thoại của người Hy Lạp cổ đại sao cho phù hợp với văn hóa và nhu cầu của riêng mình. Vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, quân đội La Mã sử dụng rồng làm biểu tượng mang lại sự may mắn cho quân đội và gieo rắc nỗi sợ hãi cho kẻ thù.

Ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, rồng tượng trưng cho quyền lực và những điều tốt lành. Rồng thường đi cùng các vị thần và á thần dưới dạng thú cưỡi hoặc bạn đồng hành của họ, trong khi các hoàng đế Trung Quốc sử dụng biểu tượng rồng để thể hiện sức mạnh hoàng gia. Hình ảnh truyền thống về rồng Trung Quốc có nguồn gốc từ thời nhà Thương (từ năm 1766 đến năm 1122 trước Công nguyên) và nhà Chu (từ năm 1046 trước Công nguyên đến năm 256 trước Công nguyên).

Người Trung Quốc cũng có quan niệm riêng về hệ thống Tứ Hải Long Vương. Mỗi vị Long Vương gắn liền với một màu sắc và một vùng nước cụ thể: Rồng xanh tượng trưng cho phương Đông và tinh hoa của mùa xuân, Rồng Đỏ đại diện cho phương Nam và bản chất của mùa hè, Rồng Đen đại diện cho phương Bắc và bản chất của mùa đông, Rồng Trắng đại diện cho phương Tây và bản chất của mùa thu. Ngoài ra còn có Rồng Vàng là biểu tượng cho quyền lực của các vị hoàng đế.

Hình tượng rồng Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều nước châu Á, trong đó rồng Hàn Quốc được miêu tả với bộ râu dài hơn và đôi khi mang theo một quả cầu khổng lồ gọi là “yeouiju”. Ở Nhật Bản, truyền thuyết về rồng gắn liền với rồng Trung Quốc, thậm chí họ còn sử dụng từ mượn tiếng Trung để đặt tên cho rồng. Người ta tin rằng các nhà sư Phật giáo từ khắp châu Á đã truyền bá những truyền thuyết về rồng từ thần thoại Phật giáo và Ấn Độ giáo đến Nhật Bản, mặc dù có một số ví dụ về rồng bản địa được mô tả trong các văn bản cổ như Kojiki và Nihongi.

Trong thần thoại Philippines, Bakunawa là một con rồng gây ra hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, động đất, mưa và gió. Bakunawa đôi khi còn được gọi là Naga, do sự tương đồng của nó với vị thần rắn của Ấn Độ giáo và Phật giáo, Nāga.

Người dân châu Mỹ cũng sáng tạo ra những truyền thuyết về rồng của riêng họ, hoàn toàn độc lập với phần còn lại của thế giới. Người Maya ở Yucatec thờ cúng Kulkulkan, một vị thần rắn nổi tiếng trong văn hóa ở khu vực Trung Mỹ. Trong khi đó, người Aztec tôn thờ hai vị thần rắn là Quetzalcoatl và Xiuhcoatl.

Đối với các nền văn minh ở khu vực Nam Mỹ, Amaruca hoặc Katari là một con rắn hoặc rồng thần thoại, hầu hết đều gắn liền với đế chế Tiwanaku và Inca. Sinh vật khổng lồ này có hai đầu, sống dưới lòng đất, dưới đáy hồ và sông.

Hình tượng rồng phương Tây hiện đại mà chúng ta quen thuộc ngày nay đã phát triển trong thời kỳ Trung Cổ. Cơ thể của rồng giống mộtcon thằn lằnhoặc rắn khổng lồ, có hai đôi chân và đôi cánh giống dơi mọc trên lưng. Chúng cũng có khả năng phun ra lửa. Đây là sự kết hợp giữa hình tượng con rồng với hình dạng giống như rắn trong trong văn học Hy Lạp–La Mã cổ điển và những con rồng vùng Cận Đông được miêu tả trong Kinh Thánh.

Giai đoạn từ thế kỷ 11–13 là thời kỳ người châu Âu có sự quan tâm đặc biệt đối với rồng như một sinh vật sống. Hình ảnh lâu đời nhất về một con rồng châu Âu hiện đại xuất hiện ở một bức tranh minh họa vẽ tay trong bản thảo MS Harley 3244 tại Thư viện Anh, có niên đại vào năm 1260 sau Công nguyên.

Rồng châu Âu thường được miêu tả là những con quái vật háu ăn, sống ở sông hoặc hang động dưới lòng đất. Người ta cũng thường đồng nhất rồng với quỷ Satan, do Satan được coi là “con rồng” trong Sách Khải Huyền.

Rồng và các mô-típ liên quan đến rồng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học hiện đại, đặc biệt là thể loại giả tưởng. Một trong những con rồng hiện đại nổi tiếng nhất là Smaug trong cuốn tiểu thuyết kinh điển “The Hobbit” của J.R.R.Tolkien. Các tác phẩm đáng chú ý khác đề cập đến rồng bao gồm “Dragonriders of Pern” của Anne McCaffrey, bộ tiểu thuyết dành cho trẻ em Harry Potter của J.K.Rowling, “Earthsea Cycle” của Ursula K. Le Guin và loạt sách “A Song of Ice and Fire” của George R.R.Martin.

Theo Heritage Daily

Bài đăng số 1277-1279 (số 5-7/2024) KH&PT