Bảo vệ môi trường, góp phần giảm nghèo cho vùng hạn hán, xâm nhập mặn nhờ tối ưu hóa lợi ích của cây sả qua việc tận dụng lá để chưng cất tinh dầu và bã thải sau chưng cất để sản xuất phân hữu cơ vi sinh...

Là hiệu quả dễ nhận thấy nhất củacông trình vừa đoạt giải nhất giải thưởng Vifotec 2016, cúp vàng Sở hữu trí tuệ, bằng khen Thủ tướng của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học.

Công trình có tên: “Thâm canh trồng sả trên vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải sau chưng cất”, do tiến sỹ (TS) Lê Văn Tri, thạc sỹ (ThS) Đặng Phương Dung, kỹ sư (KS) Nguyễn Thị Yến và các cộng sự thực hiện.

Cây trồng cho vùng đất hạn, mặn

TS Tri cho biết, sả là cây trồng thích ứng tốt với điều kiện đất khô hạn và xâm nhập mặn do đầu tư thấp, cho thu hoạch sớm và kéo dài, ít nhiễm sâu bệnh hại. Bộ rễ phân bố rộng có tác dụng giữ đất, chống xói mòn, rửa trôi hiệu quả. Ngoài củ (sả chanh), có thể dùng lá sả (cả sả chanh và sả Java) để chưng cất tinh dầu phục vụ các ngành y - dược, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, xàphòng...

Tuy nhiên, các phương pháp chưng cất hiện nay có nhiều hạn chế như quy mô nhỏ lẻ, quy trình chưa hoàn thiện, thời gian chưng cất lâu, lượng tinh dầu thoát ra không tập trung, tốn nhiều nguyên vật liệu, nhiên liệu... Ngoài ra, lượng bã thải sau khi chưng cất rất lớn mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.

Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Vifotec 2016 tham quan nhà máy sản xuất tinh dầu. Ảnh: NV

Được triển khai tại nhiều địa phương nhằm giải quyết các vấn đề đó, công trình vừa đoạt giải nhất Vifotec của Công ty CP Công nghệ sinh học là sự kế thừa kết quả của hai đề tài đã thành công trước đây: “Thiết kế, hoàn thiện công nghệ chưng cất và thu hồi tinh dầu sả”; xử lý bã thải sau chưng cất tinh dầu sả bằng chế phẩm sinh học để làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho phát triển một số loại cây trồng tại tỉnh Hòa Bình”.

Hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng sả xen canh với cây caosu, chưng cất thu tinh dầu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải sau chưng cất tại vùng miền núi tỉnh Quảng Bình” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt theo chương trình Nông thôn - miền núi giai đoạn 2017-2019.

Công trình của những “lần đầu tiên”

Nói về tính mới của đề tài này, TS Lê Văn Tri cho biết: “Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu toàn diện về thiết bị, quy trình công nghệ, ứng dụng sản xuất để tạo mô hình sản xuất khép kín gồm trồng sả - chưng cất tinh dầu - sản xuất phân hữu cơ vi sinh; lần đầu tiên phát triển hệ thống thiết bị chưng cất bằng công nghệ áp lực phá vỡ tế bào, giúp giảm lượng nước tiêu hao trong sản xuất xuống hơn 80%, giảm thời gian chưng cất từ 8h/mẻ xuống còn 2h/mẻ”.

Sản phẩm tinh dầu sả chanh và sả Java.

Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng hiệu quả bã thải sả sau chưng cất tinh dầu. Nhóm nghiên cứu đã phân lập, tuyển chọn được các chủng vi sinh giúp phân hủy bã thải như Trichoderma Viride Pers, Bacillus polyfer menticus, Steptomyces sp. và các chủng vi sinh thích ứng tốt với điều kiện hạn, mặn như Paeni bacillus polymyxa, Pseudomonas sp., Azotobacter Vinelandii để tạo chế phẩm dùng sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

“Đây cũng là lần đầu tiên có quy trình sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ bã thải sả, từ đó xây dựng quy trình thâm canh sả trên vùng đất hạn hán hoặc nhiễm mặn” - TS Tri nói.

Hiệu quả kinh tế cao

KS Yến cho biết: “Trồng sả có hiệu quả kinh tế cao gấp 7-8 lần trồng lúa. Người dân không chỉ tăng thu nhập từ việc bán lá, củ mà còn có thêm khoản lợi lớn từ việc thu tinh dầu, chưa kể lợi ích từ lượng bã sả. Tính toán sơ bộ, toàn bộ quy trình khép kín từ trồng sả - thu tinh dầu - sản xuất phân bón có thể mang lại khoảng 143,6 triệu đồng/ha/năm. Về mặt môi trường, cách tận dụng bã sả thay vì đốt bỏ giúp giảm ô nhiễm, bảo vệ bền vững tài nguyên đất”.

Nhóm tác giả cho biết, đã có 3 bằng sáng chế và 1 bằng giải pháp hữu ích được cấp từ công trình này. Với ưu điểm dễ thực hiện, công nghệ đã được áp dụng tại nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và khô hạn như Tiền Giang, Quảng Bình, Đắk Lắk, Gia Lai, Hòa Bình. Đây cũng là cơ sở để nhóm thực hiện đề tài lớn: “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ tinh dầu sả Java và sả chanh Việt Nam”.

TS Tri cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam... về dự án này. Dự kiến đề tài sẽ tạo ra các nhóm sản phẩm phục vụ y tế. bảo vệ cộng đồng, nâng cao và bảo vệ sức khỏe; sản phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Thành công vừa rồi cũng giúp chúng tôi mở rộng hợp tác quốc tế để tiến tới hình thành nhà máy liên doanh sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc tinh dầu tự nhiên ở Việt Nam”.