Cũng như nhiều quốc gia nhiệt đới gió mùa khác, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ sẽ phải hứng chịu nhiều cơn bùng phát của những dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi trong tương lai.

Không phải đến bây giờ, giới khoa học mới thấy những nguy cơ về bệnh truyền nhiễm mới nổi. Tại hội nghị quốc tế về Phòng chống Bệnh lây truyền từ động vật sang người vào năm 2017 tại Đà Nẵng, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lưu ý Việt Nam và thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Sự tương tác giữa con người - động vật - hệ sinh thái là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, MERS-​CoV, Zika, Ebola, cúm A/H5N1, H7N9, bệnh sốt Tây sông Nile…, trong đó 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, thông qua một vật chủ trung gian.

Những bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng có thể làm bùng phát những dịch bệnh tương tự COVID-19 trong tương lai. Nguồn: Internet

Điều này càng trở nên nguy hiểm hơn khi biến đổi khí hậu đang làm thay đổi nhiều chu kỳ tồn tại của động vật, ví dụ như các nhà nghiên cứu trường Đại học Florida mới phát hiện ra, mùa đông ấm hơn và ngắn ngày hơn khiến cho muỗi xuất hiện ngày một nhiều lên vào mùa đông. Thông tin này có thể khiến mọi người phải chú ý nhiều hơn nếu như nhớ ra rằng, muỗi là vật trung gian truyền bệnh cho người với các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, sốt Tây sông Nile, Zika… Giáo sư Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng từng nhận xét trên báo Sức khỏe đời sống “Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi có thể xâm nhập bất cứ lúc nào vào nước ta, không theo mùa, cũng chẳng có quy luật nào nên rất khó lường. Hơn nữa các mầm bệnh này khi đã biến đổi thì độc lực rất cao và trở nên cực kỳ nguy hiểm”.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và sự phát triển của những phương tiện giao thông, dịch vụ hiện đại đã làm tăng thêm khả năng giao tiếp, đi lại của con người. Điều đó rất có thể sẽ tạo ra và kích hoạt những ổ dịch khác trong tương lai ở ngoài phạm vi biên giới quốc gia, thậm chí châu lục. Câu chuyện về con virus SARS-CoV-2 từ Vũ Hán lan truyền khắp các châu lục, ngay cả châu Phi và Nam Cực cũng không ngoại lệ, cho thấy một trường hợp tương tự rất có khả năng lặp lại trong tương lai. “Do toàn cầu hóa nên chỉ cần vài giờ sau một chuyến bay là các mầm bệnh từ những ổ dịch từ khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng xâm nhập vào nước ta”, câu trả lời của giáo sư Nguyễn Văn Kính từ năm 2018 đã thành hiện thực vào tháng 1/2020: hai ca nhiễm virus corona đầu tiên của Việt Nam là hai bố con người Trung Quốc di chuyển từ Vũ Xương, Vũ Hán từ ngày 13/1, phát hiện mắc vào ngày 22-1 sau khi mẫu bệnh phẩm được Viện Pasteur TP.HCM xác nhận.

Một tương lai khó lường với nguy cơ lan truyền nhiều căn bệnh mới nổi từng được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nhấn mạnh đến một số yếu tố khác góp phần phát sinh bệnh: sự thích nghi của vi sinh vật, ví dụ như sự biến đổi gene ở cúm A; việc tăng sản lượng gia súc, gia cầm dẫn đến kháng thuốc kháng sinh; nghèo đói và bất bình đẳng xã hội, ví dụ bệnh lao chủ yếu xuất hiện ở khu vực có thu nhập thấp; Xây dựng hệ thống đập và thủy lợi, ví dụ sốt rét và các bệnh do muỗi truyền.

Tháng 6/2020, Ngân hàng thế giới công bố cho Trung Quốc vay 300 triệu USD qua dự án “Ngăn ngừa, chuẩn bị và phản hồi các bệnh truyền nhiễm”. Những nguyên nhân mà họ liệt kê cũng có nhiều tiềm năng xuất hiện ở Việt Nam: sự kết hợp của mật độ dân số, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, những thay đổi trong sử dụng đất, nguy cơ kháng kháng sinh… Ví dụ, nghiên cứu “Tình trạng xâm nhập phổ biến của vi khuẩn đường ruột kháng carbapenem giữa các bệnh nhân điều trị trong các bệnh viện Việt Nam: Những nguyên nhân rủi ro và gánh nặng bệnh tật” của các nhà khoa học Thụy Điển và các bác sỹ Việt Nam trên tạp chí Journal of Infection vào năm 2020 đã cho thấy: một nửa các bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện ở Việt Nam đang mang vi khuẩn đường ruột đa đề kháng, vốn có khả năng kháng carbapenems, một nhóm các kháng sinh có phổ tác dụng rộng nhất trong số các nhóm kháng sinh hiện hành. Và khi mắc vi khuẩn đường ruột đa đề kháng này, bệnh nhân sẽ có thời gian điều trị dài hơn và dễ bị mắc một loại bệnh mà người ta vẫn gọi là “nhiễm trùng bệnh viện”.

Khi đánh giá về các bệnh truyền nhiễm mới nổi theo các con đường như vậy, giáo sư Nguyễn Văn Kính đưa ra một nguy cơ tiềm tàng: các bệnh truyền nhiễm mới xâm nhập trong khi ở Việt Nam chưa có miễn dịch trong cộng đồng, chưa có thuốc điều trị, chưa có kinh nghiệm xử lý, chưa có vaccine dự phòng nên nếu xâm nhập sẽ làm cho số người mắc gia tăng nhanh chóng, tỉ lệ tử vong cao.

Do đó, những người làm y học dự phòng đều mong mỏi một vấn đề, đó là việc đẩy mạnh nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi để có thể hiểu sâu hơn về các cơ chế phát sinh, lây nhiễm, mối quan hệ giữa nguồn phát – vật chủ trung gian và con người theo các không gian và thời gian. Đây sẽ là cơ sở để các nhà nghiên cứu lẫn các nhà sản xuất vaccine, sinh phẩm nghĩ đến những giải pháp tốt hơn, từ cách phòng ngừa lây nhiễm đến thiết kế và phát triển các bộ xét nghiệm nhanh đến các loại vaccine hữu hiệu. Chỉ có cách làm bài bản như vậy mới có thể giúp chúng ta có đủ năng lực đối mặt với những bệnh dịch tương lai.

Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi có thể xâm nhập bất cứ lúc nào vào nước ta, không theo mùa, cũng chẳng có quy luật nào nên rất khó lường. Hơn nữa các mầm bệnh này khi đã biến đổi thì độc lực rất cao và trở nên cực kỳ nguy hiểm.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính