Cách tiếp cận của các chính sách giáo dục STEM dưới thời Obama nghiêng về yếu tố nâng cao năng lực sáng tạo của con người, còn chính sách của Trump nghiêng về yếu tố đáp ứng thị trường lao động của nước Mỹ.


Kế hoạch giáo dục STEM mới của chính quyền Trump nhấn mạnh giá trị của việc học nghề. Trong ảnh: Học nghề tại nhà máy sản xuất cưa máy Stihl có trình độ tự động hóa cao ở Virginia Beach, Virginia. Nguồn: AP

Chính quyền của Tổng thống Trump vừa công bố kế hoạch chiến lược 5 năm đối với giáo dục STEM, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hiểu biết về điện toán và giá trị của việc kết hợp nghệ thuật, khoa học xã hội, và các lĩnh vực khác trong các trải nghiệm học STEM “đích thực”.

Kế hoạch này đang trông đợi chính phủ liên bang đầu tư cho 3 tỷ USD.

Bản kế hoạch dài 45 trang cũng cam kết các cơ quan của liên bang sẽ bảo đảm sự tham gia bình đẳng của các cộng đồng thiểu số và phụ nữ - những người vốn đang “bị vướng các rào cản đến thành công” - trong các chương trình STEM.

Đồng thời, kế hoạch cũng gạt bỏ nhiều ưu tiên được cho là quan trọng dưới thời Tổng thống Obama, bao gồm nhu cầu đào tạo thêm nhiều giáo viên STEM ở các trường tiểu học và trung học, củng cố các giáo trình STEM, và hoàn thiện việc giảng dạy đại học và sau đại học để ngăn ngừa các kỹ sư và nhà khoa học trong tương lai bỏ ngang xương ngành của mình.

Một quan chức phụ trách vấn đề giáo dục STEM trong chính quyền Trump cho biết, chính quyền muốn kết nối lại các hệ thống giáo dục với các nhà tuyển dụng, những người đang trông đợi vào các hệ thống đó. Lý do là, xét trên nhiều chỉ số, các sản phẩm của nền giáo dục hiện nay chưa tương thích với kỳ vọng của nhà tuyển dụng.

Tạp chí Science nhận định, kế hoạch mới cho thấy chính quyền Trump tiếp cận giáo dục STEM theo một cách khác hẳn so với chính quyền Obama và các chính quyền trước đó. Đối với chính quyền Trump, giáo dục STEM hầu như thuần túy là phương tiện để đạt đến mục tiêu cuối cùng là các học sinh, sinh viên tìm và giữ được việc làm tốt ngay sau khi rời ghế nhà trường hơn là bản thân những hoạt động diễn ra trong lớp học, phòng thí nghiệm, và trong cuộc sống hàng ngày.

Kế hoạch mới dành mối quan tâm hiếm hoi cho việc làm thế nào để cải thiện môi trường giáo dục truyền thống. Thay vào đó, nó tán dương giá trị của việc học nghề, các chương trình đào tạo lại, và các cơ hội mang đến cho người dân những kỹ năng công nghệ cần thiết để bắt kịp những thay đổi trong công việc.

Trong khi đó, bình luận về kế hoạch mới này với Khoa học và Phát triển, anh Nguyễn Thành Hải, Viện ReSTEM, Đại học Missouri, cho rằng: “Chính sách Trump về giáo dục STEM và các ngành nghề STEM về cơ bản cũng giống với chính sách của Obama, tuy nhiên, Trump muốn nhấn mạnh việc người lao động Mỹ phải có tay nghề cao để dễ kiếm được việc làm trong các ngành STEM, giúp cạnh tranh với quốc tế và tăng lợi ích cho nước Mỹ. Nghĩa là sắp tới đây, các chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà máy, hãng xưởng trong các ngành kỹ thuật và công nghệ với các trường học sẽ tăng lên nhiều, giúp cho người học đáp ứng được ngay nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Điều này đúng với những cam kết trước đó của Trump khi vận động tranh cử, đó là tăng việc làm nhanh cho người lao động Mỹ và bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp Mỹ trước sự cạnh tranh với các nước khác.

Dưới thời Obama, giáo dục STEM được cải cách về cách dạy và cách học, giúp học sinh đam mê và phát triển năng lực trong các lĩnh vực này. Hay có thể nói, cách tiếp cận của các chính sách Obama nghiêng về yếu tố tăng cường năng lực sáng tạo của con người, còn chính sách của Trump nghiêng về yếu tố đáp ứng thị trường lao động của nước Mỹ.”

Anh Hải đồng thời nhấn mạnh, sự phân biệt dù sao cũng chỉ là tương đối, bởi nhìn chung, các hoạt động dạy và học STEM đều phải hướng đến giúp học sinh, sinh viên học tốt và có năng lực làm việc hiệu quả sau này, bất kể giới tính, xuất thân, hay sắc tộc.