Techfest 2018 đã thu hút gần 5.500 lượt người tham dự, 250 gian hàng khởi nghiệp tham gia triển lãm; 250 nhà đầu tư, quỹ dầu tư, diễn giả trong nước và 20 nước trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt là đại diện của các cơ quan phụ trách khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của các nước ASEAN và đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN.
Trong suốt thời gian diễn ra Techfest đã có các buổi tọa đàm, hội thảo theo 8 lĩnh vực: Công nghệ nông nghiệp, công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ du lịch, công nghệ 4.0, công nghệ tài chính, tác động xã hội và hỗ trợ khởi nghiệp.
Ngoài ra hoạt động kết nối đầu tư, một trong những nội dung quan trọng, đã diễn ra liên tục trong suốt sự kiện, thu hút sự quan tâm tham gia của rất nhiều các nhà đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tổng số các cuộc kết nối là 160 cuộc, số quan tâm đầu tư là 7, 86 triệu USD. Như vậy có thể thấy các kết nối ngày càng đi vào chiều sâu, và chất lượng của các startup ngày càng tăng cao.
Techfest đã khép lại sau Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia với đội thắng cuộc là Abivin, một startup với thuật toán tối ưu lộ trình đường đi nhằm giảm thiểu chi phí logistics của các doanh nghiệp tới 30%. Câu chuyện của Abivin dường như thể hiện rất rõ những thông điệp được nhắc đi nhắc lại trong ba ngày của Techfest. Đây là một startup của Việt Nam, sử dụng kỹ thuật công nghệ mới (học máy/trí tuệ nhân tạo), xuất phát từ vấn đề bản địa để giải quyết bài toán của khu vực Đông Nam Á, cụ thể là tự động hóa phần lớn công việc của những người quản lý logistics tại các công ty, tập đoàn trước những lộ trình phải thay đổi liên tục vì những bất cập trong cơ sở hạ tầng giao thông và phương tiện chuyên chở – một đặc điểm thường thấy ở các nước đang phát triển.
Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia này là một phần của một sự kiện toàn cầu với tên gọi là Startup World Cup được tổ chức bởi Fenox Venture tại hơn 40 quốc gia để lựa chọn những startup tiềm năng nhất cho cuộc thi chung kết tại Silicon Valley với phần thưởng trị giá triệu USD. Cuộc thi ở Việt Nam có 600 startup tham dự và trong 10 startup lọt vào chung kết, có ba startup nước ngoài.
Chủ đề của Techfest năm nay là “From here. To global” được thể hiện tràn ngập trong tất cả các hoạt động của sự kiện. Mỗi hội thảo của các làng công nghệ đều không chỉ có sự góp mặt của những startup, người làm cộng đồng, những người hoạch định chính sách ở Việt Nam mà còn đến từ khắp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ở sự kiện kết nối đầu tư, trong 20 nhà đầu tư tham dự thì có 17 nhà đầu tư nước ngoài (và chỉ ba nhà đầu tư là người Việt) với số tiền cân nhắc đầu tư cao gần gấp đôi năm ngoái 7.89 triệu USD (trong khi năm ngoái con số này chỉ hơn 4 triệu USD).
Nhưng không chỉ dừng lại là một sự kiện gặp gỡ giữa hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước, Techfest 2018 còn chứng kiến những nỗ lực cụ thể để đưa startup Việt tiềm năng ra trường quốc tế từ phía các tổ chức nhà nước và tư nhân. Trong đó phải kể đến sáng kiến Vietnam Angel Network và Open Innovation Vietnam của bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch hội đồng cố vấn Saigon Innovation Hub và Văn phòng đề án 844. Theo đó, Vietnam Angel Network đã kết nối với các CLB nhà đầu tư trong khu vực và sắp tới là trên thế giới, thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới. Trong khuôn khổ Techfest, tổ chức này đã ký MOU với Bansea, hiệp hội nhà đầu tư thiên thần lâu đời và uy tín nhất Đông Nam Á. Ông James Tan, chủ tịch Bansea cũng chính là thành viên hội đồng cố vấn của Vietnam Angel Network. Còn Open Innovation Vietnam sẽ tổ chức nhiều hoạt động kết nối giữa Startup Việt Nam không chỉ với các doanh nghiệp Việt Nam mà cả các tập đoàn lớn toàn cầu. Họ vừa ký MOU với Munich Network, một tổ chức đổi mới sáng tạo tập hợp các doanh nghiệp lớn của Đức và châu Âu. Trong Techfest, họ còn ký thêm với French Tech, một tổ chức chứng nhận các thành phố thân thiện với startup ở Pháp. Đồng thời, còn có sự ra đời của The Service Constellation, cổng dịch vụ chất lượng cao cho startup.
Một điều đáng chú ý là, Techfest 2018 đã dành chỗ để tôn vinh những cố vấn khởi nghiệp và các tập đoàn lớn – hai đối tượng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực của startup nhưng ít nhiều bị bỏ qua trong sự kiện những năm trước. Tại sự kiện lần này, “Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam” đã có báo cáo hai năm hoạt động của mình và vinh danh mentor có cống hiến nhiều nhất. Ngoài ra, còn có hội thảo chuyên sâu về Sáng tạo mở - Cách thức để các tập đoàn hỗ trợ và hợp tác với các startup. Các làng của Techfest vẫn tiếp tục tổ chức theo hình thức hợp tác công tư: toàn bộ hoạt động, startup và cuộc thi của các làng đều là do một người xây dựng cộng đồng có uy tín trong một lĩnh vực công nghệ đảm nhiệm và nhà nước chỉ tài trợ một phần. Nói cách khác, cộng đồng startup ngày càng được tham dự nhiều hơn trong việc tổ chức Techfest.
Techfest được lấy cảm hứng từ sự kiện dành cho startup lớn nhất Bắc Âu hằng năm tại Phần Lan, Slush – khởi xướng bởi một trong những kỹ sư đã tạo nên Angry Birds. Slush thường được tổ chức ở các trung tâm triển lãm ngoài trời diện tích lớn để mọi người networking với những phông bạt dựng lên đậm tinh thần “tinh gọn” của startup. Thủ tướng Phần Lan cũng chỉ đến với vai trò như một khách mời, mặc áo hoodie hòa mình vào những người tham dự, phần lớn là các nhà sáng lập startup – các kỹ sư công nghệ. Được tổ chức tại trung tâm hội nghị quốc tế Ariyana – nơi từng tổ chức các cuộc gặp mặt chính trị cấp cao và ban tổ chức chủ yếu là các tổ chức chính trị, đoàn thể nhà nước, giữa bầu không khí trang trọng với nhiều lãnh đạo lần lượt đứng lên phát biểu “chỉ đạo”, Techfest đã hoàn toàn là sự kiện thuộc về cộng đồng khởi nghiệp?
Khác với những năm trước, đây là năm đầu tiên tổ chức một sự kiện khởi nghiệp lớn nhất cả nước ở Đà Nẵng. Mặc dù Đà Nẵng chưa phải là một nơi tập hợp những tài năng công nghệ hàng đầu của cả nước, nhưng trong vài năm gần đây, thành phố này có nhiều hoạt động cho startup, điển hình là sự kiện SURF đình đám. Có thể chính đó là lý do mà Ban tổ chức đã chọn Đà Nẵng làm Techfest 2018.
Năm 2019, thành phố nào sẽ được chọn để tổ chức Techfest? Trong cộng đồng khởi nghiệp có một số ý kiến cho rằng việc lựa chọn nơi nào để tổ chức Techfest quốc gia cần được tham vấn đầy đủ hơn của cộng đồng khởi nghiệp, và như quan điểm của bà Susan Amat, thành viên ban quản trị của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN “Hãy để cho startup tự tìm kiếm và lựa chọn nơi nào là nhà của họ. Hãy đảm bảo họ có thể tiếp cận nguồn lực dễ dàng nhưng đừng ấn định cho họ về một vài thành phố nào đó”.
Xây dựng trái tim hệ sinh thái khởi nghiệp
Chúng ta phải hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, kết nối và hội tụ những người có năng lực ở nhiều lĩnh vực như quản trị, công nghệ, tài chính, marketing… vào một cụm. Nói khác đi, chúng ta phải có được một trái tim hệ sinh thái khởi nghiệp. Tôi đề xuất hình thành một Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất (trước mắt đặt tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng) và xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.
Hiện tại Việt Nam có nhiều trung tâm khởi nghiệp ở khắp mọi nơi nhưng hoạt động lại rời rạc và thiếu kết nối. Chúng ta cần kết nối các trung tâm khởi nghiệp này lại để tăng khả năng tương tác và hiệu ứng cộng hưởng giá trị.
Chính phủ cam kết sẽ đồng hỗ trợ tài chính và các nguồn lực cần thiết nhưng các trung tâm khởi nghiệp không được quản trị bằng hệ thống hành chính quan liêu mà phải bằng triết lý quản trị của tư nhân, của khối óc của những nhà khởi nghiệp sáng tạo.
Trung tâm khởi nghiệp quốc gia phải thực sự là một cộng đồng sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ, nơi các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà phát triển công nghệ và các cố vấn trong môi trường kỹ thuật số tương tác được mang đến gần nhau. Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia phải là một mạng lưới mở, nơi tập hợp các nhà khởi nghiệp, các nhân tài trong nước và nước ngoài của Việt Nam và cả đối tác, bạn bè khắp năm châu.
Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúctại “Lễ Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018”
|
Tập trung xây dựngvăn hoá khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Với sứ mệnh và trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo; sự quan tâm phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Trong đó cần tập trung xây dựng văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - văn hóa dám nghĩ, dám làm, đứng lên sau thất bại; đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất phù hợp với khởi nghiệp sáng tạo - khơi gợi đam mê sáng tạo từ những cấp học đầu tiên; đào tạo kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề thách thức của thực tiễn; đào tạo kỹ năng liên kết. Doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cần sự góp sức của trí tuệ từ các ngành nghề khác nhau. Đồng thời, rất mong nhận được sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các chương trình, Đề án khởi nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án 844; Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp; Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại “Lễ Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạoquốc gia 2018” |