Các nhà nghiên cứu ước tính hằng năm nông nghiệp toàn huyện Vân Hồ thải ra khoảng 290 tấn rác nhựa.

g
Một trong số các bể thu gom vỏ bao, chai thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Vân Hồ. Ảnh: PanNature

Từ tháng 2/2023, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tiến hành nghiên cứu “Giảm thiểu rác thải nhựa trong nông nghiệp thông qua sử dụng tri thức bản địa tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, Việt Nam”.

Dựa trên cơ sở tham vấn các hộ sản xuất nông nghiệp và cân đếm tính toán, nhóm nghiên cứu ước lượng hằng năm nông nghiệp toàn huyện Vân Hồ có thể thải ra khoảng 290 tấn rác nhựa, bao gồm hơn 10 tấn rác thải nguy hại từ vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật với số chai nhựa chiếm 50-60%. Phần rác thải nhựa còn lại thông thường là vỏ bao phân, bao đựng thóc, ngô, khay vận chuyển hoa quả bị hỏng, nilon các loại.

Xét theo khối lượng rác thải thì cây ăn quả là cây trồng thải rác nhựa nhiều nhất, ông Phan Văn Thăng - cán bộ dự án, đại diện nhóm nghiên cứu - cho biết tại hội thảo ngày 24/3. Tuy nhiên, tính theo bình quân diện tích canh tác thì rau củ là cây trồng phát thải nhiều nhất với khoảng 50kg/ha/năm, sau đó là lúa nước với 30kg/ha/năm.

Tỷ lệ thu gom rác của huyện Vân Hồ hiện đạt gần 72%- trong đó khoảng 87% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, 13% được xử lý bằng phương pháp đốt. Đối với các loại rác thải nhựa thông thường trong nông nghiệp, người dân thường gom lại và tự đốt tại vườn nhà. Một số hộ thì để chung cùng rác thải sinh hoạt và tập trung về các bãi rác công cộng.

Toàn huyện đang có 377 bể thu gom vỏ bao, mới thu gom được khoảng 25 - 30% vỏ bao thuốc đã sử dụng. Phần còn lại bị các hộ vứt bỏ trên đồng ruộng, nương rẫy, và thậm chí cả đầu nguồn nước canh tác.

h
Phần còn lại của các vỏ, bao thuốc bảo vệ thực vật, các hộ để lại trên đồng ruộng, trên nương và thậm chí cả đầu nguồn nước canh tác. Ảnh: PanNature

Sau khi tiến hành khảo sát, các nhà nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp, bao gồm việc áp dụng tri thức bản địa truyền thống trong sản xuất nông nghiệp như lót quả bằng rơm để tránh quả bị trầy xước; sử dụng các rọ tre để đựng và vận chuyển hoa quả; giữ ấm cho mạ bằng phên tre và rơm; vây bảo vệ mạ và rau màu bằng tấm phên tre nứa; trữ thóc lúa bằng các bồ thóc đan bằng tre; xua đuổi chuột và chim bằng hình nộm rơm cũng như hệ thống các cờ và chuông mõ tự chế bằng vỏ lon kim loại; làm bầu cho các cây nông nghiệp ngắn ngày bằng lá chuối…

Các đơn vị thu mua, sơ chế sản phẩm cần đặt ra những tiêu chuẩn sản phẩm để người dân có động lực, cũng như buộc phải tuân thủ nếu muốn được thu mua sản phẩm. Thay vì dùng xốp làm vật liệu bao quả chống trầy xước, có thể dùng rơm hoặc giấy, thay các khay chứa vận chuyển hoa quả một lần bằng các sọt tre…