"Chúng ta từng ước mơ Việt Nam có tên trên bản đồ số thế giới và ước mơ đó đã thành sự thật," ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020.

Trong bài phát biểu trước đó tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh, Việt Nam không thể vươn ra thế giới nếu không làm chủ và sáng tạo công nghệ. Nhắc lại ý này, ông Trương Gia Bình cho biết, với FPT, khát vọng làm chủ cũng như sáng tạo công nghệ để đưa Việt Nam ra thế giới đã được thực hiện suốt 20 năm qua. Đồng thời, ông kể 3 câu chuyện của FPT mà theo ông có thể đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT trình bày về những
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT trình bày tại diễn đàn. Nguồn: FPT

Câu chuyện thứ nhất: Mở rộng biên giới trí tuệ Việt Nam

"20 năm trước đây, chúng tôi đã quyết định đi ra thế giới. Chúng tôi đã mở văn phòng tại Ấn Độ và tại Thung lũng Silicon Valley, Mỹ, nhưng chúng tôi phải đóng cửa, vì không ai giao công việc và chúng tôi phải đem việc từ Việt Nam sang làm" - ông Trương Gia Bình nhớ lại.

Cuối cùng, FPT có được khách hàng đầu tiên vào năm 2002 và bắt đầu phát từ đó và tính đến nay có 700 khách hàng, bao gồm 100 công ty trong danh sách Fortune Global 500 (500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới).

Từ những công việc ban đầu với giá 1.500 USD/tháng, các kỹ sư công nghệ thông tin của FPT dần được tin tưởng giao các công việc phức tạp hơn và "hôm nay, công việc phức tạp nhất chúng tôi làm là tư vấn chuyển đổi số với giá 40.000 USD/tháng" - ông Trương Gia Bình cho biết.

Đáng kể hơn, năm nay, khi Covid-19 hoành hành, FPT đã vượt qua 200 công ty ở Mỹ, trong đó có những tên tuổi lẫy lừng như Infosys, Tata, IBM... để giành được hợp đồng 150 triệu USD của một khách hàng. Ở Malaysia, FPT cũng vượt 20 công ty ở Malaysia để nhận hợp đồng 100 triệu USD. Ở Nhật Bản, FPT đứng trong Top 50 công ty cung cấp dịch vụ CNTT và đang phấn đấu lọt Top 20 trong những năm tới.

Nhưng "chúng tôi không muốn lẻ loi" - ông Bình nói, lẻ loi như cái cách họ đã từng vào những năm 1998-2002. Vì thế, năm 2002, doanh nghiệp này lập hiệp hội của các doanh nghiệp CNTT là VINASA và đưa rất nhiều người Việt đi khắp thế giới.

Với nguồn nhân lực 300.000 chiến binh có thể tạo ra ngành công nghiệp phần mềm trị giá 5 tỷ USD, ông Bình tin rằng, Việt Nam có thể làm bất kỳ điều gì vào lúc này với mục tiêu giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam và thế giới.

Ông khẳng định: "Chúng ta từng ước mơ Việt Nam có tên trên bản đồ số thế giới và ước mơ đó đã thành sự thật. Chúng ta đã có tên trên bản đồ số thế giới".

Ông Lê Hồng Việt
Ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ FPT - giới thiệu về các sản phẩm của doanh nghiệp này với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Nguồn: FPT

Câu chuyện thứ ba: Phần mềm Make in Vietnam đẳng cấp thế giới

Ở giai đoạn 2 của hành trình, khi cả thế giới bước vào cuộc cách mạng 4.0 thì lần đầu tiên Việt Nam có cơ hội bắt đầu ở cùng vạch xuất phát với các quốc gia khác bằng việc sáng tạo các sản phẩm số phục vụ công cuộc này - ông Trương Gia Bình nói.

Sau 3 năm đi vào lĩnh vực nóng nhất của chuyển đổi số, đó là phát triển các phần mềm tự động hóa các quy trình, FPT ra mắt giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ akaBot, giúp doanh nghiệp tự động hóa 250 quy trình/công đoạn lặp đi lặp lại tốn nhiều nhân sự. Đáng nói, akaBot được 50 công ty trên thế giới chấp nhận và là một trong 6 phần mềm tự động hóa hàng đầu trên thế giới và doanh số 2019 của akaBot tăng gấp 50 lần. akaBotchỉ là một trong 63 hệ sinh thái nền tảng, giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số của FPT.

Một lần nữa ông Trương Gia Bình nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn đi một mình" và cho biết đang thúc đẩy nhiều chương trình, giải thưởng để tìm kiếm phát triển các sản phẩm số mới như giải thưởng Sao Khuê, Smart City...

Câu chuyện thứ ba: Nền tảng chuyển đổi số quốc gia và sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn

Nói đến kinh tế số là nói đến các nền tảng số và các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, CMC, FPT… cần đóng vai trò lôi kéo cộng đồng doanh nghiệp, startup xây dựng những dịch vụ phục vụ chính quyền và người dân. Vì không doanh nghiệp nào có thể phát triển sản phẩm từ A đến Z nên chiến lược của FPT là xây dựng một số nền tảng và cùng mọi người phát triển các dịch vụ trên nền tảng đó.

Đơn cử như nền tảng FPT.AI, đang được 11 triệu người trên toàn thế giới sử dụng và nhiều startup sử dụng để tạo ra các giá trị mới. Những nền tảng khác cũng đang được hình thành trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông....

"Cộng đồng công nghệ thông tin hãy đi cùng nhau vì một Việt Nam hùng cường bởi không cá nhân, tổ chức nào có thể làm được mọi việc," ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ II do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/12 tại Hà Nội nhằm trao đổi về động lực thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số cũng như con đường phát triển Make in Vietnam... Bên lề Diễn đàn còn có triển lãm trưng bày các sản phẩm, giải pháp số Make in Vietnam tiêu biểu.