Ngày 27/12, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đại học Quốc gia và Sở KH&CN TPHCM tổ chức hội thảo “Khoa học ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, có ba nhóm cần ứng dụng AI phục vụ nhu cầu hằng ngày cho người dân. Thứ nhất là các thủ tục hành chính thuận lợi; đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí,... Thứ hai là các bài toán của chính quyền liên quan việc quản lý hành chính, đô thị, tài nguyên, môi trường. Thứ ba là các ứng dụng quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông...

V
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo Ảnh: TĐ

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, Thành phố đã chọn chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội” cho năm 2023.

“Để thực hiện các mục tiêu trên, Thành phố sẽ thúc đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, AI để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân”, ông Đức nhấn mạnh và yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Sở KH&CN phải xác định rõ, phân biệt AI, ứng dụng AI với công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin. “Nếu không, chúng ta giống như gắn cái mác AI lên trên một nền tảng cũ, như vậy mang tính hình thức cao, không mang lại hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nói.

Các giải pháp ứng dụng AI được giới thiệu tại Hội thảo
Các giải pháp ứng dụng AI được giới thiệu tại Hội thảo Ảnh: TĐ

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, thì cho rằng để AI đi vào cuộc sống, chính quyền địa phương cần tiếp cận doanh nghiệp, lắng nghe họ giới thiệu các giải pháp công nghệ và đặt hàng. Sau đó tổ chức trình diễn giải pháp, chào hàng cạnh tranh và chính quyền làm các thủ tục mua giải pháp phù hợp với nhu cầu.

Tại Hội thảo, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã đề xuất các bài toán cần những giải pháp ứng dụng AI như: nhận dạng, bóc tách dữ liệu,…; xác định và dự báo giá trị đất theo thị trường; quản lý rác thải, mô phỏng dự báo lượng rác thải dưới tác động của tăng dân số, đô thị hóa; phát hiện sự cố, dự đoán nhu cầu khách sử dụng Metro phục vụ quản lý đường sắt đô thị; lập các mô hình dự báo giao thông, phân tích hành vi giao thông, tối ưu hóa dòng giao thông; dự báo lan truyền dịch bệnh trên dữ liệu GIS và các yếu tố dịch tễ;…